Phát hiện hóa thạch loài cá voi 36 triệu năm tuổi ở hoang mạc Peru

  •  
  • 199

Phát hiện về hóa thạch loài cá voi được đặt tên “Kẻ săn mồi Ocucaje” này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chưa từng có loài nào khác tương tự được phát hiện trên Trái đất trước đây.

Các nhà cổ sinh vật Peru ngày 17/3 đã công bố phần hóa thạch của một cá voi cổ từng tồn tại cách đây 36 triệu năm và được phát hiện tại một hoang mạc ở nước này.

Phát hiện này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà nghiên cứu tái hiện lịch sử vùng biển Peru.

Trưởng nhóm khảo cổ Mario Urbina cho biết đây là hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh của một cá voi cổ, được phát hiện hồi cuối năm ngoái tại sa mạc Ocucaje thuộc vùng Ica, cách thủ đô Lima 350km về phía Nam.

Hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh của một cá voi cổ.
Hóa thạch hộp sọ hoàn chỉnh của một cá voi cổ. (Nguồn: bangkokpost)

Hoang mạc này từng là một vùng biển cạn cách đây hàng triệu năm và các nhà khảo cổ từng phát hiện lượng lớn hóa thạch động vật biển có vú nguyên thủy tại đây.

Cá voi cổ nói trên, được các nhà nghiên cứu đặt tên “Kẻ săn mồi Ocucaje” dài 17m, có hàm răng khỏe và lớn có thể nhai nuốt cá hồi, cá mập và các đàn cá sardine.

Ông Urbina - nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia San Marcos ở Lima, cho biết phát hiện mới có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chưa từng có loài nào khác tương tự được phát hiện trên Trái đất trước đây.

Thành viên nhóm nghiên cứu Rodolfo Salas-Gismondi cho biết loài cá mới khác biệt những các loài cá voi cổ khác từng được biết đến bởi kích thước và sự phát triển của hàm răng, cho thấy loài này nhiều khả năng đứng đầu chuỗi thức ăn.

Cũng theo ông Salas-Gismondi, trưởng khoa cổ sinh vật có xương sống ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại Lima, vùng biển Peru ở thời điểm đó là vùng biển ấm và nhờ hóa thạch mới, nhóm nghiên cứu có thể dựng lại lịch sử vùng biển Peru.

Những động vật giáp xác đầu tiên đã tiến hóa từ động vật trên cạn cách đây 55 triệu năm. Đến cuối kỷ Eocene (trong khoảng 34-58 triệu năm trước), động vật giáp xác đã hoàn toàn thích ứng với đời sống sinh vật biển.

Theo nhóm nghiên cứu, cá voi khi đó chưa tiến hóa và hầu hết những kẻ săn mồi lớn trên biển đều là các loài giáp xác.

Các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều hóa thạch tại hoang mạc Ocucaje, cung cấp nhiều bằng chứng về sự tiến hóa của các loài từ cách đây 42 triệu năm.

Các hóa thạch khác được phát hiện tại đây gồm cá voi lùn 4 chân, cá heo, cá mập và nhiều loài khác trong kỷ Miocene (5-23 triệu năm trước đây).

Cập nhật: 21/03/2022 Theo TTXVN/Vietnam+
  • 199