Tìm thấy hổ phách lưu giữ xác thằn lằn 110 triệu năm

Thằn lằn chết kẹt 110 năm trong hổ phách
  •  
  • 1.259

Khối hổ phách mang đến cơ hội hiếm cho các chuyên gia nghiên cứu bộ xương, lớp vảy, thậm chí mí mắt của loài thằn lằn cổ đại.

Tiến sĩ Juan Daza tại Đại học Bang Sam Houston cùng các đồng nghiệp phát hiện thằn lằn chết kẹt trong một khối hổ phách (nhựa cây hóa thạch) ở Myanmar 110 triệu năm trước, IFL Science hôm 17/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Scientific Reports.

 Thằn lằn Retinosaurus hkamtiensis chết kẹt trong khối hổ phách.
Thằn lằn Retinosaurus hkamtiensis chết kẹt trong khối hổ phách. (Ảnh: Adolf Peretti and the Peretti Museum Foundation)

"Chúng tôi có cơ hội hiếm hoi để nghiên cứu bộ xương vẫn còn liền mạch và quan sát hình dáng bên ngoài của thằn lằn (lớp vảy), giống như cách mà các chuyên gia về động vật lưỡng cư và bò sát nghiên cứu những loài vật hiện đại", Daza cho biết.

Con thằn lằn chưa trưởng thành và có lẽ vẫn chưa biết cách tránh dòng nhựa cây ập tới giết chết nó. Nhóm nhà khoa học tìm thấy thằn lằn tại Hkamti, cách 100km so với các mỏ hổ phách nổi tiếng ở Hukawng, nơi mang đến hàng loạt hóa thạch động vật có xương sống từ kỷ Phấn Trắng và vẫn lưu giữ được mô mềm nhờ bảo quản trong hổ phách.

Thằn lằn thuộc một loài hoàn toàn mới, có họ xa với thằn lằn bóng hiện đại. Nhóm nghiên cứu đặt tên cho nó là Retinosaurus hkamtiensis và xếp vào siêu họ thằn lằn Scincoidea. Ngoài thằn lằn bóng, Scinocoidea còn có thằn lằn bọc giáp và thằn lằn đêm. Xét bề ngoài, đây là những loài hiện đại giống nhất với Retinosaurus.

Sự tương đồng này rất thú vị vì ngày nay, thằn lằn đêm chỉ sống ở Bắc và Trung Mỹ, cách Đông Nam Á rất xa. Trước đây, Hkamti không phải một phần của đại lục châu Á. Nơi này vốn thuộc siêu lục địa Gondwana gắn liền với Australia, chia tách một thời gian dài, sau đó mới hợp nhất với châu Á.

Tổ tiên của Retinosaurus có thể đã sinh tồn khoảng 50 triệu năm trên những hòn đảo tách ra đó. Điều này giải thích cho sự hiện diện của chúng ở Myanmar, trong khi một nhóm khác chuyển tới Bắc Mỹ, nhóm nghiên cứu nhận định.

Dù không lưu giữ được đuôi và chân sau của thằn lằn, khối hổ phách vẫn bảo tồn nhiều thứ mà các hóa thạch khác không có, ví dụ như vảy và mí mắt trái. Mí mắt là điểm khác biệt nổi bật nhất so với thằn lằn đêm. Mí mắt của thằn lằn đêm hợp thành một miếng vảy trong suốt giống như ở các loài rắn.

Bất chấp điểm khác biệt này, các chuyên gia cho rằng Retinosaurus có lối sống tương tự thằn lằn đêm, nghĩa là dành phần lớn thời gian sống trong khe đá và hốc của thân cây. Ngoài thằn lằn, khối hổ phách còn chứa một số con bọ cánh cứng, sinh vật hiện diện phổ biến trong những khu rừng mưa.

Cập nhật: 19/03/2022 Theo VnExpress
  • 1.259