Một nhóm nghiên cứu người Pháp đã phát hiện một hormone tự nhiên có tác dụng như lá chắn giúp chặn đứng các ảnh hưởng kích thích từ cần sa, mở ra khả năng mới trong trị liệu và ngăn chặn tình trạng nghiện thuốc.
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science (Khoa học), số ra ngày 2/1, cho biết các nhà khoa học đã phát hiện hormone steroid pregnenolone có khả năng trung hòa tác động kích thích gây ra bởi THC - thành phần gây ảnh hưởng thần kinh trong cần sa.
Đây là nhận định hoàn toàn khác với ý kiến trước đó cho rằng hormone này không có tác dụng sinh học đặc biệt nào.
Ảnh minh họa: Wiki Commons
Nhà khoa học Pier Vincenzo Piazza của Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Pháp, đồng thời là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết nhóm nghiên cứu phát hiện ra tính năng mới của pregnenolone trong khi tiến hành thử nghiệm cho chuột tiếp xúc với một lượng lớn cannabis (một loại ma túy làm từ cây gai dầu), liều lượng nhiều gấp 3-10 lần so với mức một người bình thường hút cần sa.
Các nhà khoa học nhận thấy sự tiếp nhận lượng lớn cannabis đã làm tăng lượng pregnenolone trong não chuột, giúp tạo ra một lá chắn ngăn các tác động gây hại của THC lên não.
Các nhà khoa học sau đó cũng tiến hành thí nghiệm tương tự trên tế bào con người và nhận được kết quả tương tự.
Nếu được khẳng định, phát hiện mới này có thể mở ra hướng tiếp cận mới trong việc trị liệu cho bệnh nhân nghiện và nhiễm độc cần sa, đồng thời cho phép các nhà khoa học tận dụng được tính năng chữa bệnh của cannabis trong khi vẫn ngăn chặn được những tác hại của nó tới thể chất và hành vi con người.
Hiện trên thế giới có khoảng 146 triệu người, tương đương 2,5% dân số toàn cầu, sử dụng cannabis để giảm các triệu chứng suy sụp tinh thần, bệnh tăng nhãn áp, các cơn đau co thắt và buồn nôn có liên quan đến AIDS và ung thư. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm như ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, trí nhớ và hoạt động của phổi, thậm chí có thể gây nghiện.