Một loài châu chấu cổ đại mà con người chưa hề biết trước đây mới được phát hiện trong một mảnh hổ phách cứng. Chi tiết hy hữu khác là mảnh hổ phách này được tìm thấy cách nay hơn nửa thế kỷ ở Cộng hòa Dominica.
Lúc đó, con người thu thập được hàng trăm mảnh hổ phách rồi đặt chúng vào một khu lưu trữ của phòng thí nghiệm. Trong đó, mảnh hổ phách chứa đối tượng quý hiếm bị xếp nằm ở dưới cùng.
Ảnh: natureworldnews
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois (Mỹ) mới đây đã sắp xếp lại các mẫu lưu trữ hổ phách và bất ngờ tìm thấy mẫu vật quý hiếm chứa bên trong là một loài châu chấu sống cách nay khoảng 20 triệu năm.
Loài châu chấu mới này được đặc tên khoa học là Electrotettix attenboroughi. Nó có một cặp cánh nhỏ nhưng lại không thể bay, điều này có thể biểu hiện cho quá trình dừng tiến hóa.
Hãng tin UPI dẫn lời nhà khoa học Sam Head từ Đại học Illinois cho biết, mẫu vật châu chấu trong hổ phách là rất hiếm, đặc biệt hơn là mẫu này được bảo quản rất tốt.
Những mảnh hổ phách khác từng được phát hiện có "nhốt" các loài như ong, kiến, muỗi, vết tích thực vật… cung cấp manh mối về môi trường sống mà chúng từng phát triển thời xa xưa.
Phát hiện này được công bố qua một bài báo đăng trên tạp chí ZooKeys.