Các nhà sinh vật học của Đại học Harvard (Mỹ) sửng sốt khi nhìn thấy nhiều con ếch có lông và những móng chân có thể thu gọn vào trong.
|
Ếch Trichobatrachus robustus có móng vuốt và lông. Ảnh: Newscientist. |
Trên thực tế, Trichobatrachus robustus - tên khoa học của loài ếch kỳ dị - chủ động đập gãy xương của chúng để tạo ra các móng vuốt. Điều đặc biệt là các móng vuốt này chỉ nhô ra khỏi bàn chân khi chúng bị đe dọa để tự vệ.
Chuyên gia sinh vật David Blackburn và cộng sự tại Đại học Harvard cho rằng hành vi trên là một cơ chế tự vệ của ếch. Trước đó họ từng biết tới một số động vật lưỡng cư "ép" xương nhô ra ngoài lớp da để tạo ra những chiếc gai, nhưng chưa từng chứng kiến hành vi tự đập xương để tạo móng vuốt. Hành vi này cũng xuất hiện ở 9 trong số 11 loài ếch thuộc loài Astylosternus tại Cameroon.
|
Móng vuốt nhô ra từ dưới bàn chân ếch. Ảnh: Newscientist. |
“Một số loài ếch có gai xương nhô ra từ chi, nhưng đó là do xương phát triển xuyên qua da. Những móng vuốt của loài Trichobatrachus robustus chỉ nhô ra ở hai chân sau và được bao quanh bởi các mô. Những sợi collagen liên kết các móng với nhau và trên mỗi đầu ngón chân ếch còn có mẩu xương nhỏ”,David nói thêm.
Phần dưới của các móng được kết nối với một bó cơ. David và cộng sự tin rằng khi ếch bị tấn công, bó cơ sẽ co lại để các móng nhô ra. Sau đó đầu móng vuốt sẽ thoát ra khỏi đầu ngón chân bằng xương và đâm xuyên qua mặt dưới của ngón chân.
|
Móng vuốt tách ra từ xương chân. Ảnh: Newscientist. |
Mặc dù trông khá giống móng vuốt mèo, song cơ chế hoạt động của bộ móng vuốt này hoàn toàn khác so với tất cả động vật có xương sống. Một điểm đặc biệt nữa là móng vuốt của ếch được tạo nên từ xương và không có lớp keratin bao ngoài như móng vuốt của các động vật khác.
Những con ếch Trichobatrachus robustus đực có chiều dài trung bình 11 cm còn có lông trên da. Các chuyên gia cho rằng những sợi lông ấy cho phép chúng lấy thêm oxy qua da khi chúng chăm sóc ếch con.Một nhà động vật học người Bỉ có tên George Boulenger từng phát hiện ếch có móng vuốt giống mèo lần đầu tiên vào năm 1900 tại Congo, châu Phi.