Con rùa có chỏm "tóc" màu xanh, đây là vẻ đẹp tự nhiên hay đã đụng dao kéo? Ngoài ra, bạn sẽ được biết về một loài rùa độc nhất vô nhị, với số phận đáng thương đến kỳ lạ.
Spotlight trong những ngày gần đây có thể là Mark Zuckerberg với phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, không vì thế chú rùa trong bức ảnh dưới đây trở nên kém thu hút hơn với cư dân mạng.
Nhìn chú mà xem, đầu punk kiểu mỏ chim lại còn màu xanh lá cây, khác gì dân chơi "đầu gấu" tầm nửa thế kỷ trước không?
Thực ra đây không phải là đám tóc xanh trên đầu đâu - đó là rêu tảo bám vào thôi.
Thực ra đây cũng chỉ là một con rùa thôi, tuy nhiên không phải là loại bạn thấy thường ngày. Lý do không phải vì đám tóc xanh trên đầu đâu - đó là rêu tảo bám vào thôi - mà do chúng đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Con rùa này thuộc giống rùa sông Mary, sống tại con sông cùng tên ở Australia. Nó dài khoảng 40cm, có 2 cái lỗ mũi lớn đến mức hiếm có. Thi thoảng, có con bị rong tảo bám vào đầu, tạo ra những kiểu tóc chất chơi như chú rùa trong ảnh.
Rùa sông Mary (Elusor macrurus) sống ở con sông cùng tên tại bang Queensland, Australia, chủ yếu ăn cây thủy sinh, nhưng đôi khi nó cũng ăn hạt, quả và ấu trùng côn trùng. Loài rùa này có hình dáng đặc trưng nhờ đám tảo màu xanh lá cây mọc ở đầu và thân giúp nó lẩn trốn động vật ăn thịt ở dưới nước. Nó cũng có gai thịt dài gọi là râu nhô ra dưới cằm, giúp nó cảm thụ môi trường xung quanh.
Nhưng thật bi kịch, khi đây cũng là một trong những loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp. Đó là lý do mà mới đây Hội động vật học London (ZSL) đã xếp rùa sông Mary đứng thứ 29 trong danh sách những loài bò sát đang gặp nguy hiểm nhất thế giới. Danh sách có tên viết tắt là Edge.
"Bò sát thường không nhận được sự quan tâm đúng mực của các nhà bảo tồn, khác với chim và thú" - Rikki Gumbs - người điều phối danh sách cho biết.
"Danh sách Edge được đưa ra nhằm mục đích nhấn mạnh về sự độc đáo và dễ tổn thương của chúng".
Rùa sông Mary.
Khổ nỗi, số phận của rùa sông Mary cũng "độc" như vẻ ngoài của chúng vậy. Trong khoảng thập kỷ 60 - 70, chúng là những con thú nuôi thực sự được ưa chuộng. Sự phân bố của rùa sông Mary trong tự nhiên vẫn là bí ẩn đối với các nhà khoa học cho tới khi nó chính thức được mô tả như một loài năm 1994.
Ở giai đoạn này, mỗi năm có tới 15.000 rùa con được chuyển đến các hàng bán thú nuôi trên toàn Australia. Con người cướp tổ của chúng ngay trong môi trường tự nhiên. Và rồi chúng ta đã đẩy rùa sông Mary đến bờ vực tuyệt chủng.
Hiện tại, các nhà bảo tồn đang rất cố gắng gìn giữ loài rùa này, nhằm bảo toàn sự đa dạng sinh học tại khu vực.
"Giống như hổ, tê giác hay voi, việc cứu loài vật đặc biệt này là điều cực kỳ quan trọng, nhất là khi chúng đã bị xem nhẹ trong một thời gian dài".
"Rất nhiều loài bò sát trong danh sách có nguồn gốc từ xưa rất xưa, với cây phả hệ thậm chí có thể kéo đến thời đại của khủng long".
Bản thân rùa sông Mary cũng có nguồn gốc rất cổ xưa, thậm chí là cổ nhất Trái đất. Được biết, chúng tách ra từ các chủng rùa hiện đại từ khoảng 40 triệu năm trước, và tồn tại cho đến ngày nay. Để dễ hình dung hơn thì con người tách ra khỏi tinh tinh chỉ vào khoảng 10 triệu năm trước thôi.
Bản thân rùa sông Mary có nguồn gốc rất cổ xưa, thậm chí là cổ nhất Trái đất.
Không rõ có phải vì cổ như vậy mà loài rùa này sở hữu rất nhiều đặc điểm lạ so với các loài rùa khác không.
Đầu tiên, chúng có cái đuôi rất dài - thậm chí có thể tới 70% chiều dài của mai. Bên dưới cằm chúng còn có 2 cái mấu như ngón tay mọc ra, với vai trò giúp chúng cảm nhận làn nước xung quanh.
Đặc biệt, chúng có cách hô hấp không giống bất kỳ loài nào trên đời này, đó là... thở qua hậu môn.
Cụ thể, loài rùa này có thể thở bằng mũi như rùa thường, nhưng tại phần hậu môn có một cấu trúc tương tự như mang. Cấu trúc này cho phép chúng hấp thụ oxy trong nước, với thời gian lên tới 3 ngày.
Rùa sông Mary cũng rất độc đáo. Không có loài rùa nào khác là họ hàng gần của nó. "Đây là loài còn sống duy nhất thuộc chi của chúng. Tổ tiên của rùa sông Mary được cho là tách khỏi tất cả dòng dõi rùa còn sống cách đây hơn 18 triệu năm, sớm hơn vài triệu năm trước khi tổ tiên loài người tách khỏi đười ươi".
Trên thực tế, hình ảnh "rùa đầu gấu" tóc xanh kia không phải xuất hiện lần đầu. Vào năm 2009, chính quyền địa phương Úc lên kế hoạch xây dựng một con đập, nhưng kế hoạch có khả năng gây tổn hại đến loài rùa vốn đã chịu nhiều thiệt thòi này.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng bị đe dọa bởi các loài động vật hoang dã, ô nhiễm nước...
Thế rồi một nhiếp ảnh gia đã thực hiện bộ hình về loài rùa "tóc xanh". Bộ hình có tốc độ lan truyền cực nhanh, trở thành "linh vật" của giới bảo tồn thiên nhiên. Công chúng lên tiếng phản đối, và dự án nhanh chóng bị hủy bỏ.
Tuy vậy, loài rùa này vẫn chưa được an toàn. Trong vòng 20 năm trở lại đây, chúng bị đe dọa bởi các loài động vật hoang dã, ô nhiễm nước, và các hoạt động chăn thả gia súc của con người bên sông. Theo ước tính, tổng số lượng rùa đã bị diệt tới 95% so với những gì chúng từng có trong lịch sử.
"Nếu mất đi loài rùa này, chúng ta sẽ không còn bất kỳ sinh vật nào giống như thế nữa trên Trái đất. Và đó hoàn toàn là lỗi của chúng ta" - Gumbs cho biết.