Phát hiện loài khỉ có nọc độc ở Đông Nam Á

  •  
  • 4.569

Khỉ nhỏ có nọc độc là một trong ba loài động vật linh trưởng mới mà các nhà khoa học tìm thấy trong rừng nhiệt đới trên đảo Borneo.

Con cu li trong ảnh là một thành viên của  loài Nycticebus kayan.
Con cu li trong ảnh là một thành viên của
loài Nycticebus kayan. (Ảnh: Livescience)

Loài khỉ có chất độc trong miệng, được gọi là Nycticebus kayan, sống trên những cao nguyên thuộc đảo Borneo. Chúng thuộc phân họ cu li (hay khỉ gió), gồm những loài động vật linh trưởng mũi cong có quan hệ họ hàng với vượn cáo. Rachel Munds, một nhà khoa học của Đại học Missouri Columbia, cùng hai đồng nghiệp phát hiện chúng. Họ cũng phát hiện ra rằng, hai phân loài của loài Nycticebus thực ra là hai loài cu li riêng biệt, Livescience đưa tin.

"Từ trước tới nay nhiều loài không được công nhận do giới khoa học nhầm tưởng chúng thuộc một loài khác", Munds phát biểu.

Cu li phân bố ở Đông Nam Á, Bangladesh, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đảo Borneo. Nhóm của Munds nhận ra Nycticebus kayan là loài mới nhờ quan sát những đặc điểm trên mặt chúng - chẳng hạn như dải lông sẫm màu bao quanh mắt của chúng. Chiều dài thân của chúng vào khoảng 27cm, còn khối lượng khoảng hơn 400g.

Việc phát hiện khỉ Nycticebus kayan và hai loài cu li khác cho thấy mức độ đa dạng sinh học của Borneo - hòn đảo thuộc quyền quản lý của Brunei, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lo ngại rằng, giống như các loài khác trên đảo Borneo, những loài động vật linh trưởng mà họ mới tìm thấy đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bởi hoạt động buôn bán động vật cảnh.

Theo VNE, Livescience
  • 4.569