Hóa thạch từ kỷ Tam Điệp được tìm thấy hé lộ một loài khủng long săn mồi hoàn toàn mới đứng ở đỉnh chuỗi thức ăn.
Loài mới, được đặt tên là Gnathovorax cabreirai, đã sinh sống trên Trái Đất từ cách đây 230 triệu năm, khi Nam Mỹ vẫn còn là một phần của siêu lục địa Pangea. Chúng từng là động vật săn mồi đầu bảng thống trị đất liền trước khi các loài khủng long ăn thịt bậc cao lớn hơn như Tyrannosaurus rex và Allosaurus xuất hiện.
Hình ảnh phục dựng loài Gnathovorax cabreirai dựa trên hóa thạch gần như hoàn chỉnh. (Ảnh: SWNM).
G. cabreirai có chiều dài khoảng 3m và nặng gần nửa tấn, lớn hơn đáng kể so với hầu hết con mồi và các loài khủng long sống cùng thời điểm. Hóa thạch được khai quật tại miền nam Brazil được bảo quản gần như nguyên vẹn, cho thấy cấu trúc hàm mạnh mẽ và bộ móng vuốt sắc nhọn biến chúng thành những "cỗ máy giết chóc" ở kỷ Tam Điệp.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) để tái tạo bộ não của G. cabreirai và nhận thấy chúng là động vật săn mồi có thị lực tốt. "Phương pháp tái tạo mô mềm hé lộ những khía cạnh giải phẫu học thần kinh chưa từng được khám phá trước đây ở khủng long, bao gồm sự phát triển của thùy não điều khiển chuyển động của mắt và đầu", nhà sinh vật học Rodrigo Muller từ Đại học Santa Maria, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Về tên gọi "Gnathovorax cabreirai", chữ cái đầu có nghĩa là "hàm quạ", trong khi chữ còn lại được đặt theo tên của Tiến sĩ Sergio Furtado Cabreira, nhà sinh vật học đã khám phá ra bộ xương hóa thạch ở bang Rio Grande do Sul, Muller giải thích. Phát hiện đã được đã được công bố trên tạp chí PeerJ.