Phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu

  •  
  • 1.231

Trong năm 2014, các chuyên gia Đại học Đông Á (Nhật Bản) cùng với các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia hợp tác nghiên cứu thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành , Bắc Ninh). Đã có nhiều bất ngờ từ kết quả khai quật bước đầu.

Một trung tâm trị sở và giao thương

Thành cổ Luy Lâu nằm bên bờ trái con sông Dâu cổ (một nhánh của sông Hồng), xung quanh là đồng bằng rộng lớn. Khoảng vài trăm năm đầu công nguyên, đây là khu dân cư đông đúc, là nơi đặt trị sở và là cảng thị giao thương của vùng Giao Chỉ. Các nhà khoa học đã dùng ảnh từ năm 1964 của vệ tinh Corona để nhận thấy dấu vết các khúc uốn của dòng sông Dâu để lại và có thể so sánh với địa hình tương tự ở một khu đô thi văn minh Ai Cập cổ đại gần sông Nile.

Phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu
Những mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở Luy Lâu.

Thành cổ Luy Lâu hình chữ nhật gồm hai vòng thành ngoại và nội. Theo số liệu đo trên thực địa: tường phía tây thành ngoại dài 290m, tường phía đông dài 268m, tường phía bắc dài 603 và tường phía nam dài 512m. Kết cấu chỉnh thể cho thấy thành Luy Lâu được xây với hướng chính bắc, giống với cách thức xây đắp các khu thành và đô thị quận huyện ở Trường An, Lạc Dương thời Hán.

Đoàn nghiên cứu đã tìm thấy các vết tích nhiều lớp tường (nhiều lần đắp) phía đông của thành nội, các dấu tích kiến trúc cung điện thời Tùy - Đường ở phía nam, nhiều di tích mộ gạch Đông Hán ở phía đông và cổng phía bắc của thành nội. Nhưng quan trọng nhất và cũng bất ngờ nhất là tại các hố khai quật đã tìm thấy những mảnh khuôn đúc trống đồng.

Những mảnh khuôn đúc gây nhiều ngạc nhiên

Hơn 50 mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy ở độ sâu 1,8 - 2m, phân bố khá đều trong lòng hố khai quật, ở một địa tầng ổn định. Điều cần nhấn mạnh là những mảnh khuôn này được tìm thấy rất gần (chỉ cách 20m) với nơi TS Nishimura đã tìm thấy mảnh khuôn đúc trồng đầu đầu tiên tại Luy Lâu năm 1999.

Phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng ở Luy Lâu
Sơ đồ giả thiết về một đoạn thành nội.

Cùng với những mảnh khuôn là một số hiện vật khác không kém phần quan trọng trong việc chế tác trống đồng là phễu rót đồng và chốt định vị trục xoay (ắc) của khuôn đúc. Những hiện vật cho phép các nhà khoa học khẳng định giá thuyết: Trống đồng được đúc trên bàn xoay theo từng bước: Chế tạo ruột -> Chế tạo 2 mang thân và vẽ hoa văn-> Làm mặt và vẽ hoa văn -> Ráp khuôn -> Làm quai.

Niên đại của những mảnh khuôn được xác định khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Điều này đã “nối dài” thêm tuổi của Văn hóa Đông Sơn - không phải nền văn hóa này không kết thúc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên mà còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa - đồng thời cũng chứng minh sức sống của Văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh đã có sự tác động của văn hóa Hán.

Với sự thận trọng cần thiết, các nhà khoa học chưa khẳng định Luy Lâu là nơi đúc trống và đề xuất nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa để xác định rõ hơn diện mạo khu di tích này, qua gần hai nghìn năm phủ mờ thời gian lịch sử, nhưng đây có thể coi là phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam, cung cấp thêm nhiều tư liệu về kỹ thuật và niên đại đúc trống đồng. Việc nghiên cứu sâu Luy Lâu cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ về hệ thống, cách thức sản xuất, giao thương, các đường nét văn hóa - xã hội ở một trung tâm kinh tế - chính trị trong nhiều thế kỷ; góp phần nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á cổ đại nói chung.

Dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2014 đến năm 2019.

Theo Nhandan
  • 1.231