Phát hiện mới trên sao Kim: Hai núi lửa phun trào dung nham!

  •  
  • 180

Các nhà khoa học đã phát hiện 2 dòng dung nham lớn, ngoằn ngoèo chảy ra từ hai góc khác nhau trên sao Kim.

Ngày 27-5, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết bằng cách phân tích dữ liệu từ sứ mệnh Magellan của NASA, các nhà khoa học đã xác định được 2 ngọn núi lửa phun trào trên sao Kim vào đầu thập niên 1990, theo Xinhua.

Sao Kim và nơi núi lửa hoạt động được đánh dấu màu đỏ ở khu vực Sif Mons.
Sao Kim và nơi núi lửa hoạt động được đánh dấu màu đỏ ở khu vực Sif Mons.

Cụ thể, theo báo New York Times, bằng cách sử dụng phần mềm hiện đại để nghiên cứu dữ liệu của sứ mệnh Magellan, các nhà khoa học đã phát hiện 2 dòng dung nham rõ ràng: một dòng chảy xuống sườn Sif Mons (một ngọn núi lửa hình khiên rộng) và một dòng khác uốn lượn qua phần phía tây của Niobe Planitia (một khu vực có nhiều núi lửa).

Quản lý bởi Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA ở nam California, sứ mệnh Magellan đã lập bản đồ 98% bề mặt sao Kim trong giai đoạn từ năm 1990-1992 và cung cấp những hình ảnh chi tiết nhất về sao Kim đến nay, theo NASA.

Phát hiện mới nhất này dựa trên phát hiện lịch sử hồi năm 2023 đối với các hình ảnh từ radar khẩu độ tổng hợp của tàu Magellan. Những hình ảnh radar này là bằng chứng trực tiếp đầu tiên về một vụ phun trào núi lửa gần đây trên hành tinh này.

Bằng cách so sánh hình ảnh radar của tàu Magellan theo thời gian, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những thay đổi gây ra bởi dòng đất đá nóng chảy từ dưới bề mặt sao Kim lấp đầy miệng núi lửa và tràn xuống sườn.

Tàu vũ trụ Magellan, còn được gọi Venus Radar Mapper (Sứ mệnh lập bản đồ sao Kim bằng radar) là một tàu vũ trụ không người lái nặng 1.035kg được phóng bởi Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ vào ngày 4-5-1989.

Magellan là tàu vũ trụ đầu tiên chụp ảnh toàn bộ bề mặt sao Kim và khám phá về hành tinh này. Ngay cả khi tàu vũ trụ này lao vào bầu khí quyển sao Kim và bốc cháy vào năm 1994, nó vẫn còn thu thập dữ liệu.

Được biết các nhà khoa học nghiên cứu các núi lửa còn hoạt động để hiểu làm thế nào phần bên trong của một hành tinh có thể hình thành lớp vỏ, thúc đẩy quá trình phát triển và ảnh hưởng đến khả năng sinh sống.

Theo NASA, việc phát hiện ra hoạt động núi lửa gần đây trên sao Kim mang lại cái nhìn có giá trị về lịch sử của hành tinh này và lý do tại sao nó đi theo con đường phát triển khác so với Trái đất.

Cập nhật: 29/05/2024 Tuổi Trẻ
  • 180