Các nhà thiên văn học người Đức vừa phát hiện một hành tinh mới phát sinh trong một hệ mặt trời và đang trong quá trình hình thành. Đây là lần đầu tiên loại hành tinh hình thành theo kiểu này được phát hiện.
Các nhà khoa học cho rằng các hành tinh phát triển giữa các vòng xoáy bụi và khí gas quanh các ngôi sao mới phát sinh. Chính vì vậy, nghiên cứu các hành tinh mới hình thành có thể biết được rất nhiều về quá trình phát sinh, phát triển của các hệ thống hành tinh - bao gồm cả hệ mặt trời mà chúng ta đang sống.
Công trình nghiên cứu về hành tinh mới này do các nhà thiên văn học người Đức tiến hành và được công bố chi tiết trên Tạp chí Thiên Nhiên.
Ông Johny Setiawan, Học viện thiên văn Max Planck tại Heidelberg và các đồng nghiệp cho biết: hành tinh mới có khối lượng lớn gấp gần mười lần sao Mộc (Jupiter) và quay quanh sao TW Hydrae - một ngôi sao mới hình thành cách nay khoảng từ 8- 10 triệu năm. Sao TW Hydrae thuộc chòm sao Hydra, cách chúng ta khoảng 182 năm ánh sáng.
Hành tinh mới có quỹ đạo quanh sao TW Hydrae với chu kỳ khoảng 3,65 ngày và quãng đường khoảng 6 triệu km, tính theo mép trong vòng xoáy bụi của hệ thống.
Các nhà khoa học cho biết, qua nghiên cứu này chúng ta thấy một hành tinh có thể được hình thành cực nhanh. Khi một ngôi sao bị vỡ tung, một hành tinh mới có thể được hình thành trước khi các ngôi sao chung quanh kịp hút hết các mảnh vỡ và bụi. Điều này cũng cho thấy các hành tinh có thể được hình thành trong khoảng mười triệu năm, trước khi vòng xoáy bụi và khí gas bị gió và bức xạ của các ngôi sao xua tan.
Những quan sát trên được ghi nhận từ kính thiên văn Max-Planck-Gesellschaft rộng 2,2m tại Đài thiên văn Nam Âu đặt ở Chile.
Một hành tinh mới phát sinh trong vòng xoáy bụi và khí gas quanh một ngôi sao mới. (Ảnh: National Geographic) |