Phát hiện muối và chất hữu cơ trên bề mặt mặt trăng của sao Mộc

  •  
  • 275

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 31/10 thông báo tàu vũ trụ Juno đã lần đầu tiên phát hiện muối khoáng và các hợp chất hữu cơ trên bề mặt mặt trăng Ganymede của sao Mộc.

 Hình ảnh sao Mộc do camera trên tàu thăm dò Juno chụp, ngày 23/5/2018.
Hình ảnh sao Mộc do camera trên tàu thăm dò Juno chụp, ngày 23/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo NASA, phát hiện này cho thấy nước muối dưới lòng đất đang chạm tới lớp vỏ của thế giới băng giá. Những dữ liệu trên do máy quang phổ kế Bản đồ cực quang hồng ngoại Jovian (JIRAM) trên tàu Juno ghi lại trong chuyến bay gần mặt trăng băng giá của sao Mộc.

Có kích thước lớn hơn sao Thủy, Ganymede là mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và từ lâu đã được các nhà khoa học rất quan tâm do ẩn giấu bên dưới lớn vỏ băng giá của Ganymede là một đại dương mênh mông.

Vào ngày 7/6/2021, tàu Juno đã bay qua Ganymede ở độ cao tối thiểu 1.046km. Ngay sau thời điểm tiếp cận gần nhất, thiết bị JIRAM đã thu được hình ảnh hồng ngoại và quang phổ hồng ngoại của bề mặt vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời này.

Những hình ảnh nói trên đã đạt được độ phân giải không gian chưa từng có đối với quang phổ hồng ngoại. Theo NASA, thông qua những dữ liệu này, các nhà khoa học có thể phát hiện và phân tích các đặc điểm quang phổ độc đáo của những vật liệu không phải là nước, bao gồm muối hydrat hóa, amoni clorua, natri bicarbonate và có thể cả aldehyt béo.

Cập nhật: 01/11/2023 Báo Tin Tức/TTXVN
  • 275