Phát hiện ngoại hành tinh có nước bao phủ, cách Trái đất 100 năm ánh sáng

  •  
  • 1.258

Các nhà thiên văn học tìm thấy một hành tinh nhiều khả năng có nước bao phủ hoàn toàn ở cách Trái đất 100 năm ánh sáng.

 Hình vẽ mô phỏng ngoại hành tinh TOI-1452.
Hình vẽ mô phỏng ngoại hành tinh TOI-1452 b. (Ảnh: Đại học Montréal)

Hành tinh TOI-1452 b ở cách Trái đất 100 năm ánh sáng, quay quanh một ngôi sao trong hệ nhị phân ở chòm sao Draco. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Thiên văn học hôm 12/8, hàng chục nhà nghiên cứu từ các viện trên khắp thế giới xác nhận sự tồn tại của TOI-1452 b thông qua sử dụng Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp (TESS) cũng như Đài quan sát Mont-Mégantic ở Canada và kính viễn vọng MuSCAT3 ở Hawaii.

Hành tinh mới được cho là lớn hơn Trái đất 70% và nặng gấp gần 5 lần. Nó quay quanh sao chủ theo chu kỳ 11 ngày và được cho là có nhiệt độ ôn hòa. Sao chủ và sao còn lại quanh hệ xoay tròn quanh nhau ở khoảng cách gấp 2,5 lần quãng đường giữa Trái đất và sao Diêm Vương. Có bằng chứng cho thấy TOI-1452 b là hành tinh có nước bao phủ, theo Charles Cadieux, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Montréal, trưởng nhóm nghiên cứu. Theo Cadieux, bán kính và khối lượng của TOI-1452 b cho thấy hành tinh có mật độ thấp hơn nhiều so với hành tinh hình thành từ kim loại và đá như Trái đất.

Kết quả phân tích hé lộ nước chiếm 30% khối lượng hành tinh, tỷ lệ tương tự một số mặt trăng trong hệ Mặt Trời như Titan hoặc Ganymede. Để tìm hiểu chắc chắn liệu TOI-1452 b có nước bao phủ hay không, các nhà khoa học vẫn cần quan sát bằng kính viễn vọng không gian cực mạnh James Webb. TOI-1452 b là một ứng cử viên hoàn hảo để quan sát, nằm gần Trái đất đủ để nhìn thấy dễ dàng và ở vùng trời mà kính viễn vọng có thể theo dõi quanh năm. Nhóm nghiên cứu đang cố gắng đặt lịch sử dụng kính Webb để khám phá TOI-1452 b sớm hết mức có thể.

Các nhà khoa học có thể tìm hiểu ngoại hành tinh bằng kính viễn vọng thông qua nhiều phương pháp, một phương pháp phổ biến là trắc quang quá cảnh. Trong đó, nhà nghiên cứu xem xét ánh sáng phát ra từ ngôi sao để kiểm tra có sự giảm sáng định kỳ hay không. Nếu có, điều đó chỉ ra một hành tinh có thể di chuyển giữa ngôi sao và người quan sát theo chu kỳ đều đặn. Phương pháp này cũng cung cấp manh mối về khối lượng và chu kỳ quỹ đạo của hành tinh.

Ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện vào năm 1992. Kể từ sau đó, Hơn 5.000 ngoại hành tinh đã được xác nhận tính đến tháng 3 năm nay. Theo dữ liệu từ kính viễn vọng kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, ước tính có hơn một nghìn tỷ hành tinh chỉ tính riêng trong dải Ngân Hà. Nhiều hành tinh có kích thước tương đương Trái đất và có thể nằm trong vùng ở được quanh sao chủ. Tuy nhiên, tính đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Cập nhật: 19/01/2025 VnExpress
  • 1.258