Phát hiện nhóm thiên hà xa nhất

  •   3,25
  • 3.766

Quần thể thiên hà xa nhất cách trái đất 10,2 tỷ năm ánh sáng, các nhà thiên văn Anh tuyên bố. 

Daily Mail cho biết, JKCS041 - tên của nhóm thiên hà - được tạo nên bởi vài trăm thiên hà. Nó được phát hiện sau khi các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) phân tích dữ liệu của kính thiên văn X quang mang tên Chandra của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và nhiều kính thiên văn quang học, hồng ngoại trên khắp thế giới.

Quần thể thiên hà JKCS041. Ảnh: Daily Mail.


Theo nhận định của giới chuyên môn, rất có thể JKCS041 xuất hiện trước trái đất gần 6 tỷ năm.

Quần thể thiên hà là những tổ hợp lớn nhất mà trong đó các vật thể liên kết với nhau bởi lực hấp dẫn. JKCS041 từng được phát hiện vào năm 2006 bởi kính thiên văn hồng ngoại, song khi đó giới thiên văn học chưa có đủ bằng chứng để kết luận nó là một nhóm thiên hà. Thay vào đó họ chỉ nhận định đó có thể là một thiên hà đang trong quá trình hình thành. Những kính thiên văn bình thường không thể xác định được khoảng cách của nó so với địa cầu.

Tiến sĩ Ben Maughan - một nhà thiên văn của Đại học Bristol, cùng các cộng sự tiến hành phân tích dữ liệu của kính thiên văn Chandra trong một thời gian dài để chứng minh JKCS041 là nhóm thiên hà đã hình thành đầy đủ. Nó nằm ở khoảng cách xa nhất trong vũ trụ. Việc nghiên cứu các đặc tính của nó - như cấu tạo, khối lượng và nhiệt độ - có thể giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của vũ trụ.

"JKCS041 nằm gần điểm tận cùng về khoảng cách dành cho các quần thể thiên hà", Stefano Andreon, một chuyên gia của Viện Vật lý thiên văn quốc gia Italy, nói.

Trước khi JKCS041 được tìm thấy, danh hiệu nhóm thiên hà xa nhất thuộc về một thiên hà mang tên XMMXCS J2215.9-1738. Nó được phát hiện vào năm 2006 và cách trái đất 9,2 tỷ năm ánh sáng.

Theo Vnexpress
  • 3,25
  • 3.766