Tạp chí Khoa học số ra ngày 15/2 cho biết với sự hỗ trợ của các thiết bị thăm dò bằng tia laser đặt trên vũ trụ, các nhà khoa học đã phát hiện những hồ nước lớn khổng lồ nằm sâu khoảng 700 mét dưới lớp băng ở Nam cực.
Theo các nhà khoa học, các hồ này, trong đó có những hồ rộng hàng trăm km vuông, tồn tại theo cơ chế lúc cạn, lúc đầy. Sự tồn tại của chúng không phải là hệ quả của hiện tượng Trái Đất ấm lên, vì chúng nằm quá sâu nên những thay đổi về nhiệt độ trên bề mặt lớp băng không ảnh hưởng gì.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu cơ chế hoạt động của các hồ này sẽ giúp con người hiểu thêm về tác động của tình trạng thay đổi khí hậu đối với lớp băng tại Nam cực.
Các nhà khoa học ước tính khoảng 90% lượng nước ngọt trên Trái Đất nằm tập dưới lớp băng dày bao phủ Nam cực. Nếu toàn bộ số băng này tan chảy, mực nước biển trên thế giới sẽ dâng cao 7 mét, trong khi theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chỉ cần nước biển dâng thêm 1 mét cũng đủ gây thảm hoạ cho các khu vực ven biển và các vùng đất thấp trên thế giới.