Phát hiện phiến đá khắc chữ bí ẩn tại Jamestown

  •   3,33
  • 6.416

Tại Jamestown, Virginia, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một phiến đá ácđoa khắc chữ rất hiếm gặp có lẽ ra đời cách đây 400 năm, khi hình thành những vùng định cư đầu tiên của người Anh trên châu Mỹ.

Cả hai mặt của phiến đá đều có chữ, số, và hình khắc người, cây cối, chim chóc mà có lẽ chủ nhân của nó đã gặp ở Tân Thế Giới đầu thế kỉ 17.

Phiến đá được tìm thấy ở độ sâu một vài feet, ở vị trí của chiếc giếng đầu tiên được đào tại James Fort vào đầu năm 1609 bởi thuyền trưởng John Smith, người lãnh đạo tối cao của Jamestown thời bấy giờ - dẫn lời Bill Kelso, chỉ huy trưởng nhóm khảo cổ tại hiện trường.

Nếu như giếng này được xác nhận là do John Smith đào, nó có thể cho biết những thông tin quan trọng về những năm đầu tiên đầy khó khăn ở Jamestown.

Theo ghi chép, vào năm 1611, nước trong giếng của Smith bỗng dưng hôi bẩn và sau đó chiếc giếng được chuyển thành hố rác. Các nhà khảo cổ tìm thấy phiến đá cùng nhiều vật khác mà đoàn khai hoang đã ném xuống giếng.

Vào thế kỉ 17, ở Anh, các phiến đá đôi khi được sử dụng thay cho giấy, do giấy thời đó rất đắt và không thể tái sử dụng.

Theo Bly Straube, người phụ trách bảo tàng Lịch sử Jamestowne, thời đó người ta từng vẽ hình và viết lên các viên ngói vỡ do ngói này có thể xóa đi và sử dụng lại được. “Đá khắc chữ ở giai đoạn này rất hiếm gặp ở Anh, nên chúng ta không biết nhiều về nó,” bà nói.

Các nhà khảo cổ cũng như các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác đang cố giải mã phiến đá đầu tiên với nhiều hình khắc được tìm thấy ở một vùng người Anh khai phá trên đất Mỹ thế kỷ 17.

Phiến đá với kích thước 5x8 inch (tức 13x20 cm) được khắc dòng chữ “"A MINON OF THE FINEST SORTE." Bên trên là một dòng nữa với nội dung "EL NEV FSH HTLBMS 508," rải rác quanh đó là các biểu tượng mà tới nay vẫn chưa được diễn giải thành công.

“Chúng tôi vẫn chưa biết chúng có ý nghĩa gì,” Kelso nói.

Tuy nhiên, cũng đã có một vài manh mối.

Theo Straube, “minon” là một biến thể của từ “minion” ở thế kỷ 17, và nó có nhiều nghĩa khác nhau: “đầy tớ”, “người hầu”, “người bạn”, “người đồng hành”, hoặc “người được ưa chuộng”, hoặc người được hưởng đặc ân của một vị thánh. Một “minion” cũng có thể là một dạng súng thần công – và các nhà khảo cổ đã tìm thấy những vết bắn ở vùng Jame Fort có kích thước vừa với kích thước một khẩu thần công.

Các hình vẽ trên đá mô tả một vài loại hoa khác nhau và một vài con chim – có thể là một con đại bàng, một con cú và một con chim khuyên.

“Những hình vẽ phác qua các loài chim và hoa cho thấy người Anh đã thực sự bị cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên của vùng Tân Thế Giới xa lạ,” Kelso, chỉ huy nhóm khai quật nói. Cũng có một bức phác họa một người Anh đang hút tẩu và một người đàn ông bị mất một bên tay và có cổ áo diềm xếp nếp.

Mặc dù số năm tuổi chính xác của phiến đá vẫn chưa được biết rõ, các bằng chứng khảo cổ - bao gồm vỏ sò, bình gốm Ấn độ, chuỗi hạt, gương kính, tẩu thuốc, bình chữa bệnh, và các đồ quân nhu khác – cho thấy chúng được ném xuống giếng trong những năm đầu của trại binh James Fort hình thành năm 1607.

Nếu như đây thực sự là giếng của Smith, các nhà khảo cổ tin rằng phiến đá có lẽ hình thành vào năm 1611, khi chiếc giếng đã được lấp, hoặc trước đó.

Mới đây, người ta tìm thấy cũng từ chiếc giếng này một đồ chơi trẻ em làm bằng đồng, kết hợp giữa còi và đầu nhọn xỉa răng.

Straube cho rằng phần tăm xỉa răng của vật này được làm từ san hô. Vào thế kỉ 17, san hô được coi là rất tốt cho răng lợi của trẻ nhỏ và là một chất thần diệu có thể xua đuổi ma quỷ. Bà nói đây có thể là đồ của những người phụ nữ mang theo con cái tới Jamestown vào năm 1609.

Phiến đá được tìm thấy ở độ sâu một vài feet, ở vị trí của chiếc giếng đầu tiên được đào tại James Fort vào đầu năm 1609 bởi thuyền trưởng John Smith, người lãnh đạo tối cao của Jamestown thời bấy giờ. (Ảnh: Michael Lavin)

Manh mối về chủ nhân của phiến đá

Tới nay các nhà khoa học vẫn chưa biết ai là chủ nhân của phiến đá.

Straube nói hình ảnh cây cọ lùn, một loài thường thấy ở vùng từ Nam Carolina tới Carribbean, gợi ý rằng bức vẽ có lẽ đã được hình thành trên hành trình từ Anh tới Jamestown qua West Indies, đây từng là hành trình phổ biến để đi tới Tân Thế Giới.

Hoặc, bà nói, phiến đá này có thể được dùng bởi một trong số 140 người đi khai hoang trôi dạt vào bờ sau vụ đắm tàu Sea Venture năm 1609. Họ đã bị mắc kẹt tại Bermuda trong vòng 10 tháng trước khi tới được Jamestown vào mùa xuân 1610.

Bức vẽ ba con sư tử đang chồm đứng lên, hình ảnh được thêu trên áo của lực lượng quân đội trong thời kì 1603-25 khi vua James I trị vì, cũng được tìm thấy trên phiến đá. Điều này có thể đồng nghĩa với việc chủ nhân của phiến đá là một thành viên liên quan tới quân đội hoặc chính phủ.

Nhà khảo cổ Kelso suy đoán rằng phiến đá có thể thuộc về William Strachey, người có vai trò là thư ký của đoàn khai hoang. Đây là một trong những người đã gặp nạn tại Bermuda và tới Jamestown vào năm 1610.

Straube thì cho rằng phiến đá là của ai đó sống ở Jamestown và chết vào mùa đông 1609-10, khi trại bị bao vây. Khi đó chỉ còn lại 60 trong số 200 người sống sót.

Gần phiến đá các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xương và răng của những con ngựa bị xẻ thịt, cùng xương chó, điều này gợi nhớ tới mùa đông khủng khiếp trong quá khứ, khi những người khai hoang đành ăn thịt ngựa và chó của họ để tồn tại.

Cũng có thể phiến đá đã được sử dụng bởi nhiều người. “Có vẻ như trên phiến đá có nhiều nét chữ khác nhau,” Straube lưu ý.

Các lớp chữ viết và hình vẽ

Các hình ảnh trên phiến đá rất khó nhìn do chúng có cùng màu xám đen với màu đá và nhiều phần bị che lấp. Những người đi khai hoang có lẽ đã viết lên phiến đá bằng một thỏi đá hình chữ nhật có đầu nhọn. Làm như vậy sẽ xuất hiện những đường nét màu trắng trên phiến đá – và, may mắn cho các nhà khảo cổ của chúng ta, cách làm này cũng để lại những vết khắc trên bề mặt đá.

Bạn có thể lau bỏ những nét màu trắng, nhưng không thể xóa hoàn toàn các vết khía,” nhà khảo cổ Kelso nói. “Đó là lí do vì sao chúng ta thấy tầng hình vẽ này đè lên tầng hình vẽ khác. Trong khảo cổ học, khi một vết khía này cắt ngang một vết khía khác, người ta có thể biết được vết nào được tạo ra sau.”

Ông hi vọng rằng sau cùng, với sự hỗ trợ của NASA, nhóm nghiên cứu sẽ phân loại được từng phần trong chuỗi hình ảnh. Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Langlay NASA hiện đang sử dụng một hệ thống vẽ hình ba chiều có độ chính xác cao, tương tự như máy chụp CT scanner, giúp phân tách các lớp hình ảnh và đưa ra phân tích chi tiết về phiến đá.

Giếng của John Smith?

Việc tìm ra câu trả lời liệu đây có thực sự là giếng của Smith hay không sẽ giúp hiểu được tình hình những năm đầu khó khăn nhất tại Jamestown.

Theo ghi chép của những người đi khai hoang, nước trong giếng của Smith bắt đầu chuyển sang màu đen sau khi đào 1 năm. Một số chuyên gia cho rằng, nước giếng bẩn với các chất độc ngấm từ nước biển có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mùa đông nghiệt ngã 1609-10, bên cạnh nạn thiếu lương thực, dịch bệnh, mâu thuẫn nội bộ và chiến tranh với người da đỏ.

Nằm gần sông James, kế bên nhà kho giữa trại lính, chiếc giếng được phát hiện vào năm ngoái, và các nhà khảo cổ bắt đầu tiến hành khai quật từ đầu năm nay. Họ tin rằng nó đã tồn tại trước một giếng khác được đào năm 1611 và nằm cách xa con sông.

Kelso cho rằng, những người khai hoang do đã rút ra được bài học từ giếng của Smith nên đào chiếc giếng thứ hai này càng xa con sông càng tốt để tránh bị nhiễm độc từ dòng nước lợ.

Tới nay các nhà khảo cổ đã đào sâu 5 feet (1,5 mét), và miệng hố đang dần thu hẹp lại thành hình tròn, giống như một chiếc giếng. Dự đoán giếng này có thể sâu từ 9 tới 15 feet (2,7 tới 4,5 mét).

Kelso nói họ không chắc đây có phải giếng do Smith đào hay không cho tới khi họ chạm được tới đáy và nghiên cứu được năm tuổi của các hiện vật dưới đó.

Việc phát hiện ra chiếc giếng, theo ông, “sẽ cho chúng ta cơ hội biết rõ về vấn đề sức khỏe của đoàn khai hoang và tìm ra điều gì đã làm hỏng nước giếng.” Khi đó, bí mật liên quan tới phiến đá 400 năm tuổi có lẽ cũng sẽ được hé lộ.

G2V Star (Theo National Geographic)
  • 3,33
  • 6.416