Phóng xạ iot được tìm thấy trong đám tảo bẹ ở ngoài khơi bờ biển tây của nước Mỹ, hơn 1 năm sau thảm họa động đất/sóng thần Nhật Bản, gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử sau thảm họa Chernobyl.
>>> Phát hiện phóng xạ cách bờ biển Nhật 650km
Phóng xạ iot 131, được mang trong không khí, đã lan tỏa khắp Thái Bình Dương trong vòng vài ngày sau thảm họa sóng thần 11/3/2011, mặc dù với lượng nhỏ.
Nhưng các nhà sinh vật học hải dương ở Đại học bang California, Loang Beach (CSULB) đã phát hiện chất đồng vị phóng xạ trong đám tảo bẹ. Tảo bẹ biển là “một trong những loài thực vật tích trữ iot mạnh nhất” trong vòng 1 tháng sau thảm họa.
Kiểm tra độ phóng xạ tại thành phố Koriyama, cách nhà máy hạt nhân
60km về phía tây, vài ngày sau thảm họa động đất/sóng thần/hạt nhân.
“Chúng tôi đã đo được một lượng khá lớn phóng xạ iot trong mô của đám tảo bẹ Macrocystis, mặc dù hầu hết là chưa ở mức gây nguy hại tới sức khỏe”, Steven L. Manley, một trong những tác giả nghiên cứu cho biết.
“Mặc dù lượng phóng xạ có thể không ảnh hưởng tới con người, bởi hàm lượng thấp. Song nó có thể ảnh hưởng tới một số loài cá ăn tảo bởi cá có hệ tuyến giáp hấp thụ iot".
Nghiên cứu về tác động của phóng xạ iot 131 từ nhà máy điện hạt nhân Nhật đối với tảo bẹ Macrocystis đã được đăng tải trên ấn phẩm mạng của tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường của Mỹ.
Sau thảm họa sóng thần/động đất cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người, nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, cách đông bắc Tokyo 220km, đã hứng chịu nhiều vụ nổ và thanh nhiên liệu trong các lò phản ứng đã bị nóng chảy. Phóng xạ đã lan sang cả một vùng rộng lớn và tìm đường tới cả biển, lẫn trong không khí và thực phẩm trong nhiều tuần và nhiều tháng sau đó.
Hàng chục ngàn người đã phải sơ tán khỏi khu vực quanh nhà máy và hiện vùng này vẫn bị ô nhiễm phóng xạ nặng. Công cuộc dọn dẹp, làm sạch đang diễn ra với tốc độ chậm, trong khi có cảnh báo một số thành phố có thể phải bỏ hoang trong 3 thập niên.