Bên cạnh loại hố đen cỡ nhỏ hoặc cực kỳ lớn, các nhà khoa học đã phát hiện thêm loại hố đen cỡ trung bình, điều chưa từng được biết tới trước đây.
Các nhà thiên văn học của Trung tâm khoa học bức xạ d’Etude Spatiale, Pháp đã phát hiện ra lỗ đen cỡ vừa đầu tiên có kích thước chỉ bằng khoảng 500 lần khối lượng mặt trời và nằm cách Trái Đất 290 triệu năm ánh sáng.
Khám phá này được tin rằng sẽ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của những lỗ đen khổng lồ trong vũ trụ tương tự như lỗ đen nằm ở giữa giải Ngân Hà. Những lỗ đen khổng lồ này có khối lượng gấp từ vài triệu lần đến vài tỷ lần mặt trời và nguồn gốc của chúng vẫn còn là dấu hỏi lớn.
|
Hình ảnh minh họa nguồn phát xạ bí ẩn nằm ở phía trên bên trái thiên hà ESO 243-49 được các nhà khoa học xác định là lỗ đen có khối lượng gấp 500 lần Mặt trời. |
Đối lập với những lỗ đen khổng lồ trên là những lỗ đen cỡ nhỏ, “chỉ có” khối lượng gấp khoảng 20 lần khối lượng mặt trời và được tạo thành từ các vật chất rơi vãi sau khi một ngôi sao lớn phát nổ.
Trước đây, các nhà khoa học giả thiết rằng những lỗ đen cỡ lớn được hình thành là do sự hòa trộn của rất nhiều lỗ đen cỡ nhỏ. Tuy nhiên, do chưa tìm thấy lỗ đen cỡ vừa nên giả thiết này còn chưa nhận được sự tin tưởng của giới chuyên môn.
Theo ghi nhận của các nhà khoa học Pháp trên tạp chí Nature, sự tồn tại của các lỗ đen có khối lượng trung bình này là bằng chứng không thể chối cãi cho giả thuyết về sự hình thành lỗ đen có khối lượng cực lớn.
Bằng một kính thiên văn Xray XMM-Newton của cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một nguồn phát xạ tia X mạnh gấp 260 triệu lần mặt trời. Qua các các phân tích về cường độ và dải phổ của nguồn phát xạ trên, các nhà khoa học đã kết luận được rằng đó là một lỗ đen có khối lượng gấp 500 lần Mặt trời, không quá to, không quá nhỏ và là lỗ đen đầu tiên được phát hiện có khối lượng nằm trong khoảng này.