Phát hiện sớm ung thư vú để khỏi "đoạn nhũ"

  •  
  • 746

Tuyến vú là một trong những nét đẹp tự nhiên và là “niềm kiêu hãnh” của người phụ nữ. Không những thế, tuyến vú còn giúp người phụ nữ hoàn thành thiên chức làm mẹ sau khi sinh con. Thế nhưng, nguy cơ ung thư vú vẫn luôn đeo đuổi và ám ảnh giới nữ.

Bệnh nhân ung thư vú đang được điều trị bằng tia phóng xạ (xạ trị)

Ở các nước, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ung thư vú gia tăng đều đặn hằng năm, tính chung trên toàn thế giới, ung thư vú ở phái nữ được xếp vào hạng nguy cơ hàng đầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính năm 2005 có khoảng 1,200 ngàn người bị ung thư vú và theo Hiệp hội phòng chống Ung thư Hoa kỳ, sẽ phát hiện khoảng 270 ngàn trường hợp mới, tương đương 1/10 dân số nữ giới mắc bệnh trong năm 2005.

Tại VN, nghiên cứu về ung thư trong những năm gần đây cho thấy ung thư vú ở phụ nữ là loại ung thư có tần suất cao nhất ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; nguy cơ đứng hàng thứ hai (sau ung thư cổ tử cung) tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Số ca mới mắc ung thư vú hàng năm khoảng 800/2triệu ca khám tại Hà Nội và khoảng 600/3triệu ca khám tại TP.HCM và phần lớn các bệnh nhân có độ tuổi trên 40.

Do không nắm vững thông tin, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn 3 và 4 (giai đoạn muộn). Vì thế, các trường hợp mắc bệnh ung thư vú này đều phải điều trị bằng phương pháp đoạn nhũ (cắt bỏ toàn bộ tuyến vú). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của bệnh nhân.

Bác sỹ Võ Kim Điền, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện FV cho biết, ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Giai đoạn càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao, đặc biệt là vẫn có thể bảo tồn tuyến vú.

Theo các thống kê của những nước Âu - Mỹ, khoảng 90% bệnh nhân ở giai đoạn 0 và giai đoạn I có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Trên thế giới phương pháp bảo tồn tuyến vú đã được đưa vào nghiên cứu từ những năm 70 và chính thức đưa vào điều trị từ những năm 90. Phẫu thuật bảo tồn giúp giữ được nét thẩm mỹ cho tuyến vú, thời gian phục hồi sau phẫu thuật nhanh và bệnh nhân không cần thiết phải phẫu thuật tái tạo tuyến vú về sau. Tỷ lệ khỏi bệnh, thời gian sống, tỉ lệ tái phát và di căn của phẫu thuật bảo tồn so với đoạn nhũ hiện nay được xem là như nhau mà giá thành điều trị chỉ tương đương hoặc thấp hơn” - Bác sĩ Điền cho hay.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị bảo tồn này chỉ áp dụng được khi bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi bướu còn nhỏ hơn 3cm và không có di căn xa, không xâm lấn. Phương pháp bảo tồn hiện nay là cắt bỏ khối bướu, nạo hạch nách cùng bên và xạ trị vào tuyến vú + hạch vùng. Đối với các trường hợp bướu lớn hơn 3cm, nếu bệnh nhân có nguyện vọng giữ lại tuyến vú, vẫn có thể điều trị bảo tồn nhưng điều này tùy thuộc vào thực trạng bệnh lý của từng bệnh nhân.

Còn theo kinh nghiệm sau 25 năm điều trị bảo tồn ung thư vú của bác sĩ Trần Ngọc Quang, trưởng khoa Ung bướu và Xạ trị của Bệnh viện Saint -Quentin (Pháp) và là cố vấn chuyên môn cho Khoa ung bướu Bệnh viện FV, ung thư vú nếu được phát hiện khi còn nhỏ hơn 2cm thì khả năng thành công của phương pháp điều trị bảo tồn cao và dự hậu của bệnh nhân rất tốt. Kết quả điều trị bảo tồn tuyến vú trong trường hợp này bằng hoặc tốt hơn đoạn nhũ.

Việc giữ lại bộ ngực theo phương pháp điều trị bảo tồn hiện nay giúp cho người phụ nữ dễ dàng chấp nhận việc điều trị, không còn lo lắng và bị ám ảnh bởi việc bị cắt bỏ toàn bộ tuyến vú theo phương thức điều trị cổ điển trước đây.

Bác sĩ Điền khuyến cáo tất cả các phụ nữ trên 40 tuổi nên tự khám vú đúng phương pháp, và nên khám sức khoẻ định kỳ mỗi năm một lần, trong đó phải có khám tuyến vú. Khi cần thiết, bác sỹ sẽ đề nghị chụp nhũ ảnh để phát hiện các tổn thương nghi ngờ. Sau khi khám, nếu như tuyến vú được xác định bình thường, nhũ ảnh được khuyến cáo nên chụp định kỳ mỗi 2 năm.

Theo VietNamNet
  • 746