Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA và ESA chụp ảnh một đoạn nhỏ của sóng xung kích từ vụ nổ siêu tân tinh Cygnus cách Trái đất 2.400 năm ánh sáng, Fox News hôm 1/9 đưa tin. Tên gọi của sự kiện này bắt nguồn từ chòm sao Cygnus (Thiên Nga). Vụ nổ bao phủ vùng không gian lớn gấp 36 lần trăng tròn.
Sóng xung kích từ vụ nổ siêu tân tinh Cygnus. (Ảnh: NASA).
Khoảng 10.000-20.000 năm trước, vụ nổ đã hủy diệt một ngôi sao có khối lượng gấp 20 lần Mặt trời. Kể từ đó, tàn tích siêu tân tinh đã lan rộng ra 60 năm ánh sáng quanh trung tâm. Sóng xung kích đánh dấu rìa ngoài của tàn tích siêu tân tinh và tiếp tục lan ra với tốc độ khoảng 354km mỗi giây. Vật chất phun ra tương tác với vật chất liên sao mật độ thấp mà sóng xung kích gom lại, tạo nên cấu trúc giống một chiếc khăn trong ảnh chụp của Hubble.
Tàu con thoi Discovery đưa kính viễn vọng không gian Hubble lên quỹ đạo Trái đất thấp vào tháng 4/1990. Đến nay, kính viễn vọng kích thước tương đương một chiếc xe buýt này đã hoạt động 30 năm. Nó giúp giới khoa học thu thập nhiều dữ liệu khoa học quý giá, trong đó có việc quan sát sự hình thành của các ngôi sao và hố đen.
"Người kế nhiệm" của Hubble, kính viễn vọng không gian James Webb, được NASA miêu tả là kính viễn vọng không gian phức tạp và mạnh nhất từng chế tạo. James Webb dự kiến phóng lên không gian ngày 30/3 năm sau. Tuy nhiên, việc hoàn thiện kính viễn vọng này đang bị trì hoãn do Covid-19.