Các nhà thiên văn châu Âu thông báo họ vừa tìm thấy 32 hành tinh mới ngoài hệ Mặt Trời, củng cố thêm giả thuyết về việc sự sống có thể tồn tại đâu đó ngoài trái đất.
Ảnh minh họa một hành tinh lớn gấp 6 lần trái đất nằm bên ngoài hệ Mặt Trời. Nó xoay quanh một ngôi sao nhẹ ở khoảng cách bằng 1/20 khoảng cách giữa mặt trời và trái đất. Ảnh: Reuters. |
Đài thiên văn Nam Âu - tổ chức thiên văn liên chính phủ lớn nhất tại châu Âu - thực hiện dự án này. Họ huy động hàng chục kính thiên văn để quan sát vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ hành tinh nào có kích thước bằng trái đất hoặc có thể hỗ trợ sự sống. Như vậy tổng số hành tinh ngoài hệ Mặt Trời mà con người từng phát hiện đã tăng lên khoảng 400.
AP cho biết, 6 trong số 32 hành tinh lớn hơn địa cầu rất nhiều lần. Chỉ có hai hành tinh lớn gấp 5 lần ngôi nhà của loài người. Phần lớn hành tinh được phát hiện từ trước tới nay cũng có kích thước tương đương sao Mộc (hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ) hoặc to hơn.
Nhà thiên văn Stephane Udry của Đại học Geneva (Thụy Sỹ) - một thành viên của Đài thiên văn Nam Âu - hôm qua nói rằng kết quả tìm kiếm củng cố giả thuyết về sự phổ biến của hành tinh trong vũ trụ. "Tôi tin rằng những nơi giống trái đất khá phổ biến trong vũ trụ", ông phát biểu.
Theo Reuters, điều đáng chú ý là hơn 40% ngôi sao giống mặt trời có hành tinh di chuyển xung quanh. Tỷ lệ ấy cao hơn nhiều so với dự đoán của giới khoa học.