Các nhà thiên văn học tại Đài quan sát thiên văn Klet ở miền nam Czech vừa phát hiện một tiểu hành tinh chưa được nhận dạng đi qua Trái đất ở khoảng cách 600.000 km.
Theo giám đốc đài quan sát Jana Ticha, tiểu hành tinh này đi qua Trái đất vào tối 15-12, được phát hiện lúc nó đến gần Trái đất nhất. Khoảng cách này chỉ hơi lớn hơn khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng.
“Đây là một trong các tiểu hành tinh đi ngang qua chúng ta ở khoảng cách rất gần được phát hiện tại châu Âu. Đa số các phát hiện như thế được thực hiện bởi các đài quan sát lớn của Mỹ”, bà Ticha nói.
Tiểu hành tinh này di chuyển với tốc độ rất cao, có quỹ đạo đi ngang qua quỹ đạo Trái đất xung quanh Mặt trời và không gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào nếu va vào Trái đất do nó sẽ bị phân hủy thành từng mảnh nhỏ khi bay vào khí quyển.
Bà Jana Ticha cho biết việc theo dõi các hành tinh nhỏ như thế giúp nâng cao sự hiểu biết về cấu trúc của toàn thể các tiểu hành tinh, tính toán khoảng cách giữa chúng và Trái đất, khả năng chúng va vào Trái đất…
TƯỜNG VY