Phát hiện vật thể lạ trong ảnh “gấu ăn trăng” ở Hà Nội

  •   33
  • 6.955

“Gấu ăn trăng” là cách gọi dân gian của hiện tượng nguyệt thực một phần vừa xảy ra vào rạng sáng 8/8 không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Hà Nội: Phát hiện vật thể lạ

Tại Hà Nội, hiện tượng nguyệt thực một phần xảy ra vào rạng sáng ngày 8/8, kéo dài từ 0h22 đến 2h18 và đạt cực đại lúc 1h20. Do nguyệt thực xảy khi quan sát Mặt trăng nên chỉ cần tránh khu vực có nhiều ánh sáng, trời quang mây là có thể dễ dàng quan sát hiện tượng này.

Ảnh nguyệt thực một phần có vật thể lạ bên trong.
Ảnh nguyệt thực một phần có vật thể lạ bên trong.

Sự thay đổi của ánh trăng tại Hà Nội khi nguyệt thực một phần xảy ra.
Sự thay đổi của ánh trăng tại Hà Nội khi nguyệt thực một phần xảy ra.

Theo ghi nhận của PV tại Hà Nội, trong đêm 7/8 và rạng sáng 8/8 trời không có mưa. Dù có xuất hiện mây nhưng khi hiện tượng nguyệt thực diễn ra thì trời lại khá quang đãng nên việc quan sát hiện tượng này không gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình quan sát, một bức ảnh chụp hiện tượng “gấu ăn trăng” của Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) đã vô tình phát hiện ra một vật thể bay. Theo bình luận trên trang fanpage của hội, vật thể này có thể là các vệ tinh bay xung quanh Trái đất.

TP.HCM: Ánh trăng sáng tỏ nhờ trời quang mây tạnh

Tương tự thời tiết ở Hà Nội, sau một ngày nắng ráo thì tới đêm 7/8 - rạng sáng 8/8, bầu trời tại TP.HCM rất thuận lợi để ngắm Mặt trăng nhờ trời quang mây tạnh. Trong suốt 116 phút diễn ra hiện tượng nguyệt thực một phần, ánh trăng luôn sáng rõ mà không bị mây chê khuất bất kỳ khoảnh khắc nào.

Do hiện tượng này diễn ra khá trễ và cũng không hiếm nên Hội Thiên văn nghiệp dư TP.HCM không tổ chức tụ họp để ngắm như những sự kiện đặc biệt khác. “Nguyệt thực một phần là hiện tượng thiên văn không hiếm, nếu không muốn nói là bình thường. Nó chỉ là một phần bề mặt của Mặt trăng (vệ tinh tự nhiên của Trái đất) bị bóng của chính Trái đất che khuất. So với hiện tượng này thì nhật thực toàn phần hay nguyệt thực toàn phần hiếm xảy ra hơn”, anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP.HCM cho biết.

Ghi nhận của phóng viên tại TP.HCM, ánh trăng vào đêm 7/8 “mọc” khá sớm với hình dạng tròn to và sáng rực. Tuy nhiên, nó bắt đầu bị “ăn” một phần vào lúc 0h22. Sau đó, gần 1/2 ánh trăng bị chìm trong bóng tối lúc 1h20, rồi trở lại bình thường lúc 2h18.

Mặt trăng lúc bình thường

Mặt trăng khi nguyệt thực một phần diễn ra cực đại
So sánh Mặt trăng lúc bình thường (trên) và khi nguyệt thực một phần diễn ra cực đại (dưới).

Một số hình ảnh của Mặt trăng trong sự kiện nguyệt thực một phần tại TP.HCM.
Một số hình ảnh của Mặt trăng trong sự kiện nguyệt thực một phần tại TP.HCM.

Cập nhật: 08/08/2017 Theo Dân Việt
  • 33
  • 6.955