Phát hiện xác tê giác tuyệt chủng từ 10.000 năm

  •   2,52
  • 1.833

Các nhà nghiên cứu phát hiện xác của một con tê giác lông lượt, loài động vật đã tuyệt chủng 10.000 năm.

RT hôm qua cho hay, con tê giác này được gọi là Sasha. Một thợ săn có tên Aleksandr Banderov cùng người bạn phát hiện nó trên dòng chảy vào sông Semyulyakh, thuộc vùng Yakutia, Nga, hồi tháng 9 năm ngoái.


Xác tê giác lông mượt Sasha

"Chúng tôi đi thuyền qua khe núi và thấy phần đầu của nó nhô lên. Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó là xác một con tuần lộc, nhưng sau đó nhìn thấy phần sừng và nhận ra đây là một con tê giác", Aleksandr kể lại. Động vật hoang dã đã ăn một phần cơ thể ở bên ngoài lớp băng, để lại những phần còn lại và bộ lông nguyên vẹn.

Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Khoa học tại Yakutsk, Sasha chết khi khoảng 18 tháng tuổi. Các chuyên gia sẽ tìm cách phân tích ADN và thực hiện các xét nghiệm để xác định tuổi chính xác của Sasha và thời điểm nó chết.

"Đây là phát hiện rất độc đáo. Chúng ta có thể đếm số lượng tê giác lông mượt trưởng thành từng được tìm thấy trên thế giới chỉ trên đầu ngón tay. Một con tê giác con chưa bao giờ được phát hiện cho đến nay", Albert Protopopov, thành viên nhóm chuyên gia, nhận định. Tê giác lông mượt ít được nghiên cứu hơn so với voi ma mút. Giới nghiên cứu hy vọng khám phá này sẽ cung cấp nhiều thông tin về điều kiện sống của chúng trước đây.

Tê giác lông lượt được cho là tuyệt chủng từ 10.000 năm trước. Chúng thường sống ở châu Âu và phía bắc châu Á trong Thế Pleistocen (Thế Canh Tân). Dù sống sót qua thời kỳ băng hà gần đây nhất, loài động vật này đã biến mất vì bị con người săn bắn quá mức và tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Vnexpress
  • 2,52
  • 1.833