Một protein được tìm thấy ngay trong hệ miễn dịch tự nhiên của con người có thể là chiếc chìa khóa vàng trong điều trị ung thư.
Nhóm khoa học gia từ King’s College London (KCL - Anh) đã tạo ra một màn trình diễn bất ngờ khi cho khối u trong bệnh ung thư đại trực tràng tiếp xúc với protein galactoside-binding (βGBP). βGBP nhanh chóng phát huy đặc tính ức chế khối u, kích hoạt sự "tự sát" của các tế bào ác tính.
Các tính năng của βGBP phát huy chỉ trong vòng 48 giờ sau cuộc tiếp xúc. (Ảnh: KCL).
Không những thế, các tế bào ung thư thoát khỏi sự ép buộc "tự sát" cũng bị protein này lôi ra khỏi chỗ ẩn nấp, khiến chúng phơi mình ra trước hệ miễn dịch, từ đó giúp cơ thể tự tạo ra phản ứng chống ung thư mạnh mẽ, ngăn chặn căn bệnh tái phát.
Theo giáo sư Livio Mallucci, tác giả chính của nghiên cứu, các tính năng đáng mừng này của βGBP phát huy chỉ trong vòng 48 giờ sau cuộc tiếp xúc định mệnh. Protein này có thể áp dụng cho các khối u đại trực tràng ác tính và cả một số trường hợp ung thư kháng trị khác nữa.
Sau đó, βGBP tiếp tục được thử nghiệm trên chuột và cho kết quả khả quan, hầu như không gây tác dụng phụ vì bản thân nó là một thành phần tự nhiên thuộc hệ thống miễn dịch của chính người bệnh.
Không chỉ giúp tiêu diệt ung thư, phương pháp này có thể mang lại sự bảo vệ lâu dài cho bệnh nhân bằng cách kích thích sự giám sát miễn dịch của cơ thể đối với căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sớm tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu tiếp tục thành công, đây sẽ là một kiểu điều trị ung thư dựa trên liệu pháp miễn dịch tiên tiến và đầy triển vọng.
Nghiên cứu vừa công bố trên British Journal of Cancer.