Ngày 29/09, tạp chí khoa học Chẩn đoán và Liệu pháp thai công bố, lần đầu tiên trên thế giới, các bác sỹ chuyên khoa sản thuộc Bệnh viện trường ĐH Bonn (Đức) đã tiến hành thành công ca phẫu thuật nhằm kích thích sự phát triển của phổi trong cơ thể một thai nhi.
Trước đó, các bác sỹ lo ngại rằng thai nhi này sẽ không thể sống sót do người mẹ bị vỡ ối ngay trong tuần thứ 20 của thai kỳ, điều này có nghĩa là phần chất lỏng bảo vệ thai nhi đã bị mất đi. Nếu không có phần chất lỏng này, các cơ quan nội tạng sẽ đè lên phổi, làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của thai nhi. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào dạ con, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đe doạ tính mạng của đứa trẻ.
Để thực hiện cuộc phẫu thuật phức tạp này, các bác sỹ đã đưa một thiết bị mổ chuyên dụng, có kích thước chỉ nhỏ bằng chiếc bút bi, vào màng thai qua một rãnh nhỏ trong bụng của người mẹ. Tiếp đến, với sự hỗ trợ của camera và máy siêu âm, các bác sỹ đã dịch chuyển thiết bị này qua miệng, rồi vào khí quản của thai nhi đang nằm trong bụng mẹ. Ở đó, một bong bóng nhỏ xíu làm từ màng cao su rất mỏng được bơm căng nhằm ngăn không cho lượng chất lỏng, do phổi liên tục tiết ra, thoát ra ngoài. Sự tạo thành chất lỏng này đã kích thích sự phát triển của phổi thai nhi.
Đây cũng là trường hợp đầu tiên mà Giáo sư Thomas Kohl, trưởng ca mổ trên, sử dụng protein huyết thanh albumin, có tác dụng tăng lượng nước tập trung ở phổi và tăng cường hiệu quả làm việc của bong bóng cao su. Giáo sư cho biết bong bóng nằm trong phổi trong năm ngày, và trong suốt thời gian đó, trọng lượng hai phổi của thai nhi đã tăng gần gấp đôi.
Thai nhi sau đó được sinh trong tuần thứ 33, và nay đã là một em bé một tuổi rất khoẻ khoắn, có tên là Miriam.
PV