Phenom của AMD có bắt kịp Intel?

  •  
  • 303

CPU mới của AMD có công nghệ ấn tượng nhưng vẫn chưa cho thấy tốc độ thuyết phục. Liệu AMD có giữ được thế cạnh tranh nếu bộ xử lý (BXL) cao cấp của hãng vẫn chưa chạy nhanh bằng CPU đã 1 năm tuổi của Intel?

Bộ xử lý Phenom mới của AMD và nền Spider cho máy tính để bàn đã giúp AMD thực hiện được những cú nhảy đầy ấn tượng. BXL Phenom được sản xuất trên quy trình 65nm, có thiết kế 4 nhân “đúng nghĩa” và công nghệ quản lý điện năng cải tiến. Nhưng khi thử nghiệm với hệ thống nền Spider và BXL Phenom thì kết quả cho biết AMD còn nhiều việc phải làm trước mắt.

Đã có vấn đề?

Thử nghiệm với bản BXL Phenom 9900 2,6GHz không khóa (có thể ép xung), còn bản BXL chính thức này phải đến quý đầu tiên của năm 2008 mới xuất hiện trên thị trường, và có giá ước tính dưới 350 USD. Còn hiện nay, bộ xử lý Phenom nhanh nhất đang có trên thị trường là Phenom 9500 2,2GHz (giá OEM là 251 USD) và Phenom 9600 2,3GHz (283 USD).

Model 9700 2,4GHz giá khoảng dưới 300 USD cũng dự kiến xuất hiện trong quý 1/2008 và bản không khóa Phenom Black Edition 2,3GHz cũng đã xuất hiện khi bạn đọc bài viết này.

Mặc dù cả 9500 và 9600 đã xuất hiện rộng rãi nhưng gần đây AMD đã thừa nhận một lỗi trong thế hệ BXL Phenom và Barcelona có thể gây đứng máy nếu tải hệ thống chạy ở xung lớn hơn 2,4GHz với một số phần mềm hiếm gặp. Tuy bản cập nhật BIOS sửa được lỗi này nhưng theo thành viên ở trang web Tech Report, bản sửa lỗi này lại làm chậm tốc độ đến 10%. Những BXL Phenom nhanh hơn mà AMD đang chuẩn bị tung ra trong quý 1/2008 nên khắc phục nhược điểm này.

Kết quả thất vọng

Thử nghiệm so sánh hệ thống Phenom và hệ thống Penryn sử dụng cùng loại linh kiện: card đồ họa NVIDIA GeForce 8800GTS với RAM 320MB, 2 ổ cứng Western Digital WD2500AAJS thiết lập RAID 0 (stripled) và bộ nhớ hệ thống DDR2-800 2GB. Thử nghiệm 2 BXL Phenom mở khóa chạy ở 2,6GHz và 2,3GHz trên cùng bo mạch chủ Asus M3A32-MVP Deluxe với chipset AMD 790FX.

Khi chạy Phenom 9900 ở 2,6GHz, hệ thống thử nghiệm ghi được 107 điểm WorldBench 6 beta 2, không nhanh hơn nhiều so với điểm số trung bình của những hệ thống chạy Intel Core 2 Duo E6600 là 96 điểm. E6600 là BXL cũ, hiện có giá khoảng 230USD (giá trên newegg.com) so với 350USD của 9900.

Dĩ nhiên, BXL Phenom nhanh nhất hiện có trên thị trường mới chỉ là 2,3GHz và tốc độ của model này là 99 điểm, không có nhiều lợi thế khi giá cao hơn model cạnh tranh đã cũ của Intel đến 50USD. Mặt khác, chúng ta chưa có những so sánh với model cao cấp nhất hiện nay của Intel: giá 1000USD và ghi được 127 điểm PC WorldBench beta 2 trên cùng cấu hình thử nghiệm. Vào thời điểm BXL Phenom nhanh hơn xuất hiện thì Intel cũng đã có dòng BXL Penryn phổ thông để cạnh tranh.

Hệ thống Phenom đầu tiên thử nghiệm là CyberPower Gamer Ultra CF 3870 giá 999USD, chạy BXL Phenom 9600 2,3GHz và card đồ họa ATI Radeon HD 3870, vẫn chưa tạo nhiều ấn tượng với 95 điểm.

AMD hiện thời vẫn chưa có câu trả lời cho tập lệnh SSE4 của Intel chuyên tăng tốc cho các tác vụ đa phương tiện, có lẽ điều này đã giúp Intel tạo được cách biệt về tốc độ trong một số ứng dụng được định sẵn. Ngược lại, không như các model 4 nhân của Intel với kiến trúc dựa trên 2 CPU 2 nhân chia sẻ giao tiếp bus, Phenom trội hơn về mặt kiến trúc vì có 4 nhân riêng biệt. Ngày càng có nhiều ứng dụng tận dụng các tập lệnh đa phương tiện (như là SSE) và nhiều hơn 2 nhân BXL để cải thiện tốc độ, nhưng với những gì mà Intel có được đến nay, có lẽ AMD sẽ khó có thể rút ngắn được cách biệt.

Khi AMD công bố Phenom hồi tháng 11 năm ngoái, hệ thống chạy Phenom 9900 2,6GHz, 2 card Radeon HD 3850, bo mạch chủ MSI chipset 790FX của AMD và RAM DDR2-1066 2GB, ghi được 105 điểm, nhanh hơn đáng kể so với hệ thống Polywell 580CF-2900 dùng AMD Athlon 64 X2 6000+ thế hệ gần nhất của AMD đạt được 93 điểm vẫn cách xa tuyên bố cải thiện đến 32% của AMD.

Thời kỳ khó khăn

Xét lại mọi thứ, năm 2007 không phải là năm “mưa thuận gió hòa” của AMD. Thực chất, những thứ không mấy suôn sẻ nảy sinh từ giữa năm 2006 khi Intel giới thiệu CPU Core 2 Duo. Sau 3 năm dẫn đầu về tốc độ, AMD đột nhiên bị rớt lại: khi chạy ở cùng xung nhịp, BXL Core 2 Duo thường hơn khoảng từ 10% đến gần 20% so với BXL Athlon 64 X2.

Tiện ích OverDrive của AMD có một mảng tuỳ chọn ấn tượng, cho phép thiết lập hệ số nhân và điện thế trên từng nhân của BXL.

Không chỉ có vậy, gần như ngay từ khi AMD bỏ ra 5,4 tỉ USD mua lại hãng sản xuất GPU là ATI thì hãng này phải chạy theo trong cuộc đua tốc độ với NVIDIA. Tuy việc này mang lại cho AMD sự chuyên nghiệp về GPU và chipset, cộng với việc không bị phụ thuộc vào NVIDIA vốn là đồng minh lâu đời nhưng đã bắt đầu hỗ trợ cho Intel trước đó 1 năm, càng củng cố hơn cảm nhận về vị trí thứ 2 của AMD.

Trong năm 2007, AMD cũng rớt lại phía sau trong cuộc ganh đua về công nghệ xử lý. Intel sản xuất chip Penryn bằng dây chuyền 45nm, cho phép tích hợp nhiều transistor hơn trên một mm2 so với công nghệ 65nm mà AMD giới thiệu trong chip Phenom. Điều này cũng có nghĩa là có nhiều BXL hơn trên mỗi tấm silicon, nên giá thành thấp hơn và là một ưu thế khác của Intel.

Opteron 65nm mới nhất của AMD tiêu thụ rất ít điện năng, hiện đang cạnh tranh rất tốt trên thị trường máy chủ, nhưng điều này không có ý nghĩa gì với người dùng phổ thông.

Nền tảng

Vẫn chưa có cách gì lấy lại chiếc vương miện tốc độ cho CPU, AMD cố chuyển hướng để mọi người tập trung vào các công nghệ card đồ họa và chipset. Đây không phải là hướng đi hoàn toàn sai lầm nhưng tốc độ trong game thường phụ thuộc nhiều vào GPU hơn là CPU.

Chipset Spider 790FX mới hoạt động tốt, hỗ trợ bus HyperTransport 3.0 I/O của AMD, cho băng thông hơn 20% so với phiên bản trước đây. 790FX cũng kết hợp 4 card đồ họa ATI 3800 PCIe 2.0 trên một bo mạch chủ bằng công nghệ mà AMD gọi là CrossFire X. Những thử nghiệm đầu tiên trên những trang web công nghệ như Anandtech cho thấy những card đồ họa 3800 có thể ngang tài ngang sức với mọi loại card đồ họa khác về tốc độ (trừ các model mới nhất của NVIDIA) và còn có chỉ số tiêu thụ điện năng rất tốt.

AMD cho phép người dùng khả năng tinh chỉnh mức điện năng tiêu thụ (cũng như khả năng chỉnh tốc độ cho BXL Phenom) đến một mức độ đáng ngạc nhiên, bằng một tiện ích mới là OverDrive.

Không chỉ là công cụ ép xung, OverDrive cho người dùng chỉnh thiết lập điện thế và hệ số nhân xung theo từng nhân. Ví dụ, nếu bạn đang chơi một game chỉ hỗ trợ 2 nhân CPU thì có thể tạo một profile OverDrive để ép xung 2 trong 4 nhân của Phenom và giảm tốc độ 2 nhân còn lại, giúp giảm mức tiêu thụ điện năng và “hạ nhiệt” hệ thống, giúp 2 nhân hoạt động có nhiều “đất dụng võ” hơn.

Nếu bạn không thích chỉnh sửa chi li phần cứng thì OverDrive có tùy chọn chỉnh tốc độ chỉ bằng 1 lần nhấn chuột, tiện ích sẽ đo điểm hệ thống và tự động nâng tốc độ ở mức an toàn.

Nếu dây chuyền sản xuất 65nm của AMD có thể cho ra được BXL Phenom với những khả năng ép xung cao thì game thủ có thể tìm thấy giá trị trong những bản mở khóa như Phenom Black Edition 2,3GHz.

Theo AMD, các bo mạch chủ trên chipset 790FX sẽ có giá rất cạnh tranh nếu so với những bo mạch chủ mới nhất chạy BXL Penryn của Intel. Kế đến, các hệ thống nền Spider có thể là chọn lựa lý thú cho game thủ phổ thông, vì chỉ phải chi ít tiền hơn cho CPU, bo mạch chủ và bộ nhớ, nhưng lại có thể kết hợp chúng với 4 card đồ họa 3800 có giá cũng khá hợp lý. Mặc dù CPU sẽ không thể cạnh tranh với những model cùng mức giá của Intel, đặc biệt là với dòng BXL Penryn phổ thông dự kiến xuất hiện vào đầu năm nay, nhưng một hệ thống CrossFire 4 card đồ họa của AMD có thể là một cỗ máy chơi game thực sự. 

Theo PC World VN
  • 303