Miếng pho mát lâu đời nhất thế giới với niên đại hơn 3.600 năm được phát hiện trên phần cổ và ngực các xác ướp nguyên vẹn ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học và Di sản Văn hóa tại Urumchi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, các mẩu pho mát nhỏ màu vàng nhạt và được xác định có từ năm 1615 trước Công nguyên.
Các mẩu pho mát nhỏ (đánh dấu trắng) trên cổ một xác ướp. (Ảnh: Discovery News)
Những mẩu pho mát này được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ từ năm 2002-2004 tại khu chôn cất Xiaohe, trong sa mạc Taklamakan ở tây bắc Trung Quốc.
Nghĩa trang Xiaohe được xây dựng trên một cồn cát tự nhiên với hàng trăm xác ướp bí ẩn nằm trong các quan tài gỗ lớn. Qua kiểm tra ADN, những người trong quan tài ở đây được xác định có nguồn gốc liên quan đến người châu Âu và châu Á, Discovery News dẫn lời một chuyên gia của viện Max Planck, Đức, cho hay.
Theo nhóm nghiên cứu, người cổ đại có thể đã tin rằng pho mát được chôn cùng với người chết để họ có thể thưởng thức ở thế giới bên kia. Phát hiện này cung cấp các bằng chứng nghiên cứu trực tiếp về phương pháp lên men sữa từ thời cổ đại.
Chế biến pho mát được biết đến ở các khu vực Bắc Âu vào khoảng đầu thiên niên kỷ 6 trước Công nguyên, phổ biến ở Ai Cập và Lưỡng Hà trong thiên niên kỷ 3 trước Công nguyên. Trước phát hiện này, các nhà nghiên cứu chưa từng tìm thấy các mẩu pho mát có từ xa xưa.