Phòng chống kiệt sức khi đi ngoài trời nắng nóng

  •  
  • 1.795

Thời tiết nắng nóng, oi bức vào mùa hè khiến đa phần chúng ta dễ lâm vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức và bị say nắng. Để đối phó với tình trạng này, chúng ta cần phải chú ý duy trì thân nhiệt hợp lý.

Cách phòng ngừa

Theo các chuyên gia, kiệt sức vì nắng nóng là hậu quả của việc giảm áp huyết và khối lượng máu trong cơ thể. Tình trạng này bắt nguồn từ sự mất mát các chất dịch cơ thể và muối sau khi tiếp sức với nhiệt nóng trong thời gian kéo dài.

Phòng chống kiệt sức khi đi ngoài trời nắng nóng

Cách tốt nhất để phòng ngừa hiện tượng này là tránh tiếp xúc trực tiếp với mặt trời càng nhiều càng tốt trong thời gian nóng nhất trong ngày. Bạn có thể đội mũ, mặc quần áo chống nắng, bôi kem chống nắng và ở trong bóng râm. Và một điều quan trọng nữa là, bạn luôn phải chú ý giữ cho cơ thể được cung cấp nước đầy đủ.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng mẹo đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả dưới đây để chống lại cái nắng “như thiêu đốt” khi ra đường:

Đầu tiên, bạn cần có một chiếc khẩu trang bằng vải (vải thường hoặc vải kháng khuẩn đều được).

Sau đó, chúng ta dấp một một ít nước từ vòi hoặc chai nước khoáng lên chiếc khẩu trang, để làm ướt toàn bộ từ phần che mũi, miệng, cho tới dây đeo.

Dấp một một ít nước từ vòi hoặc chai nước khoáng lên chiếc khẩu trang

Tiếp theo, bạn bóp nhẹ khẩu trang trong lòng bàn tay để vắt bớt nước, nhưng không nên mạnh tay quá, bởi chúng ta sẽ cần độ ẩm tương đối còn được giữ lại trên chiếc khẩu trang.

Cũng cần lưu ý không nên dùng hai tay để vắt khẩu trang giống như khi vắt khăn mặt, bởi có thể làm biến dạng chất vải trên khẩu trang, khiến nó nhanh bị dão.

Bóp nhẹ khẩu trang trong lòng bàn tay để vắt bớt nước

Cuối cùng, bạn chỉ cần đeo chiếc khẩu trang này lên và đi ra đường trời nắng. Hơi nước và độ ẩm từ khẩu trang sẽ có tác dụng như một chiếc “máy làm mát không khí” áp ngay vào khuôn mặt, giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu trước cái nóng gay gắt ngoài trời.

Trải nghiệm thực tế phương pháp này cho thấy chiếc khẩu trang được làm ướt có thể làm mát cho khuôn mặt hiệu quả trong khoảng thời gian từ 30 - 40 phút di chuyển ngoài đường. Với quãng đường di chuyển quá xa, bạn có thể dừng lại để làm ướt khẩu trang, rồi tiếp tục sử dụng.

Cách chữa trị

Các triệu chứng của tình trạng kiệt sức vì nắng nóng có thể phát triển đột ngột, bao gồm cảm giác nóng bức, da ửng đỏ, mệt mỏi, choáng váng, lẫn lộn, nôn mửa và nhịp tim đập nhanh. Một biểu hiện nữa là ít tiểu tiện và nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường.

Giải pháp cho tình trạng này là mau chóng di chuyển tới nơi mát mẻ, thư giãn và tái cung cấp nước cho cơ thể. Cởi bớt quần áo bó chặt, loại bỏ bất kỳ lớp quần áo không cần thiết nào và đưa người bị kiệt sức vì nắng nóng vào chỗ thoáng khí.

Phòng chống kiệt sức khi đi ngoài trời nắng nóng

Nếu tình trạng không được cải thiện trong 30 phút, đột quỵ vì nắng nóng có thể xảy ra. Đây là hiện tượng cần cấp cứu y tế, rất dễ xảy ra với trẻ nhỏ, người già hoặc những người đang mắc một căn bệnh mạn tính.

Những điều cần lưu ý sau khi đi nắng về

Bật điều hòa nhiệt độ thấp

Việc di chuyển đột ngột từ môi trường có nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp sẽ gây choáng cho cơ thể. Hơn nữa, khi vào phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không đủ nhiệt độ để mồ hôi bốc hơi, mồ hôi dễ ngấm ngược lại gây ra cảm lạnh. Nguy hiểm hơn, việc các mạch máu bị co đột ngột dễ dẫn đến tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Rửa mặt sau khi đi nắng về

Việc hoạt động, chơi thể thao hay đi ngoài nắng làm cơ thể thoát ra nhiều mồ hôi. Nhiều người về nhà, khi thấy đầu, mặt nóng bức khó chịu là muốn tắm, gội đầu, rửa mặt ngay cho mát mẻ.

Không nên rửa mặt sau khi đi nắng về
Rửa mặt sau khi đi nắng về, cảm giác dễ chịu chỉ là được một lúc và không lâu sau, đầu, mặt có thể sẽ nóng trở lại cùng chứng đau đầu.

Thế nhưng, cảm giác dễ chịu chỉ là được một lúc và không lâu sau, đầu, mặt có thể sẽ nóng trở lại cùng chứng đau đầu. Vài viên thuốc giảm đau có thể giúp xoa dịu cơn đau. Tuy nhiên những ngày sau đó, bệnh vẫn diễn biến tương tự, dẫn đến là đau đầu mạn tính kèm theo rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, viêm gan... do việc dùng thuốc giảm đau nhiều và kéo dài.

Ăn kem hoặc đồ lạnh

Nhiều người thường ăn kem ngay sau khi đi nắng về để giải nhiệt. Tuy nhiên, ăn kem vào lúc này sẽ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột, gây ra viêm họng cảm lạnh. Đặc biệt, sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên rất dễ bị bệnh. Do đó, bạn nên ngồi nghỉ một lúc để cơ thể bớt nóng rồi mới ăn kem.

Uống nước liền một hơi

Khi đi ngoài nắng mồ hôi thoát ra nhiều, gây cảm giác khát nước. Tuy nhiên, về nhà uống nước một hơi (kiểu tu ừng ực), đặc biệt là nước lạnh để thỏa mãn cơn khát tức thì sẽ khiến tim đập nhanh hơn, gây loạn nhịp, hơi thở ngắt quãng, ra mồ hôi lạnh, thâm chí dẫn đến viêm họng, gây kích thích không có lợi cho dạ dày.

Sau khi đi ngoài nắng về hoặc trong thời tiết oi bức, tránh tắm nước quá lạnh vì nó có thể làm khởi phát tình trạng sốc nhiệt, dẫn đến sự sụt giảm nhịp tim đột ngột. Tắm nước mát vừa hoặc dùng khăn ẩm, mát lau, đắp lên cơ thể là một cách hữu hiệu và an toàn để giảm nhiệt cơ thể.

Cập nhật: 26/06/2020 Tổng Hợp
  • 1.795