Phóng lao phá thiên thạch - kế hoạch bảo vệ Trái đất mới?

  •  
  • 674

Một nhóm các nhà nghiên cứu muốn bảo vệ Trái đất khỏi viễn cảnh bị thiên thạch phá hủy bằng cách sử dụng phương pháp phóng lao.

Phương pháp được trình bày chi tiết trong một báo cáo học thuật trên trang web của Nhóm vũ trụ học thực nghiệm của Đại học California, Santa Barbara (UCSB).

Ngoài ra, kế hoạch này được đệ trình lên tạp chí Advances in Space Research - mang mục đích đập vỡ các tiểu hành tinh lớn, có khả năng đe dọa đến sự tồn vong của Trái đất thành hàng trăm mảnh nhỏ bằng cách phóng một chùm “cây lao xuyên thấu” vào đường đi của tiểu hành tinh.

Mỗi cây lao sẽ dài khoảng 1,8 đến 3m, có thể chứa chất nổ - thậm chí có khả năng là chất nổ hạt nhân - để nổ một tiểu hành tinh đang đến gần thành những mảnh tương đối vô hại trước khi nó chạm tới bầu khí quyển của Trái đất.

Phóng lao phá vỡ thiên thạch, bảo vệ Trái đất
Về lý thuyết có thể được phóng trong khoảng thời gian cực ngắn, trước khi thiên thạch chạm tới bầu khí quyển của Trái đất.

Các tác giả cho biết, trận mưa vụn thiên thạch vẫn có thể gây ra thiệt hại đến nhà cửa và con người ở bên dưới. Nhưng thiệt hại này sẽ không đáng kể so với tác động của một thiên thạch lớn, như khối thiên thạch rộng 19 mét phát nổ trên Chelyabinsk, Nga vào tháng 2/2013 với sức mạnh tương đương 30 quả bom hạt nhân Hiroshima.

Các sóng xung kích gây ra từ vụ nổ có thể đã giết chết hàng triệu người nếu thiên thạch phát nổ trực tiếp trên một thành phố lớn, nhưng vụ nổ xảy ra trên một khu vực rộng lớn bên ngoài thành phố Chelyabinsk, dẫn đến nhiều ca bị thương nhưng may mắn là không có tử vong.

NASA theo dõi chuyển động của hơn 8.000 tiểu hành tinh gần Trái đất có đường kính lớn hơn 140m. Tuy nhiên, như sự cố Chelyabinsk cho thấy, các vật thể nhỏ hơn thế vẫn có thể mang sức phá hoại khủng khiếp.

Một phần lý do khiến thiên thạch Chelyabinsk nguy hiểm như vậy là do các nhà thiên văn học không thể ngờ rằng nó sắp tới; tảng đá nhỏ hơn đáng kể so với các tiểu hành tinh mà các cơ quan vũ trụ thường theo dõi và nó rơi trực tiếp vào Trái đất từ hướng của Mặt trời, theo NASA.

Các nhà nghiên cứu cho biết, một lợi thế của kế hoạch là một tên lửa chứa đầy lao xuyên thấu về mặt lý thuyết có thể được phóng trong khoảng thời gian cực ngắn, thậm chí chỉ vài phút trước khi thiên thạch có thể chạm tới bầu khí quyển của Trái đất.

“Vật thể rơi có kích thước bằng tảng đá không gian rộng 20m phát nổ ở Chelyabinsk, Nga... có thể bị đánh chặn chỉ 100 giây trước khi va chạm” bằng cách sử dụng một bệ phóng tương tự như loại được sử dụng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trong khi đó, một thiên thạch có kích thước bằng tiểu hành tinh Apophis rộng 370m có thể “được xử lý từ 10 ngày trước khi va chạm vào Trái đất theo dự kiến”, nhóm nghiên cứu cho biết. Công nghệ tên lửa hiện tại, như phương tiện phóng Falcon 9 của SpaceX, có thể dễ dàng phóng lao nổ tới khu vực xung quanh một tiểu hành tinh như vậy.

Nếu những ước tính đó là chính xác, thì phương pháp phóng lao sẽ là một kế hoạch bảo vệ hành tinh linh hoạt hơn đáng kể so với sứ mệnh thay đổi đường bay của một tiểu hành tinh gần Trái đất bằng cách đâm tên lửa vào nó của NASA.

Nhưng phương pháp phóng lao cũng sẽ phải được thử nghiệm rộng rãi để chứng minh thực sự có tính khả dụng, bắt đầu với thử nghiệm trên mặt đất với các tiểu hành tinh giả, sau đó di chuyển đến các mục tiêu thực trong không gian. Hiện tại, chưa có kế hoạch thử nghiệm nào như vậy được đặt ra.

Thành công của phương pháp này cũng phụ thuộc vào khả năng của các nhà khoa học trong việc phát hiện các tiểu hành tinh nhỏ gần Trái đất (như thiên thạch Chelyabinsk) trước khi chúng đi vào bầu khí quyển. Đây cũng là một công việc đang được tiến hành.

“Nếu không có hệ thống cảnh báo sớm phù hợp, phương pháp phóng lao hay bất kỳ phương pháp phòng thủ hành tinh nào khác đều sẽ chỉ cung cấp khả năng bảo vệ dưới mức tối ưu”, các tác giả kết luận trong bài báo trên Scientific American.

Cập nhật: 23/10/2021 Theo GD&TĐ
  • 674