Phụ nữ sắp trở thành của hiếm

  •  
  • 966

Các nhà nhân khẩu học đang lo lắng về nguy cơ thiếu phụ nữ trên thế giới. Từ vài thập kỷ nay, ở Ấn Độ và Trung Quốc - 2 nước thuộc loại đông dân nhất - tỷ lệ sinh con gái ngày càng ít. Trong 15 năm tới, sẽ có 36 triệu con trai Trung Quốc không thể lấy vợ.

Trung Quốc và Ấn Độ có 2,4 tỷ dân, chiếm 38% dân số thế giới. Tại Trung Quốc, vào những năm 1960, trung bình mỗi gia đình có 6 con. Nhưng từ năm 1979, vì lý do kinh tế, nước này chỉ cho phép mỗi gia đình sinh 1 con. Từ những năm 1980, kỹ thuật siêu âm được phổ biến, người ta có thể nhận biết giới tính ngay từ khi bào thai mới được 3 tháng. Trong khi đó, theo tập quán, chỉ con trai mới bảo tồn dòng họ, nếu không có con trai nối dõi tông đường thì không người thờ cúng.

Người Ấn Độ rất sợ sinh con gái (Ảnh:  60sfurther)

Do vậy, ở Trung Quốc từ năm 1989, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái mới sinh đã là 111/100 (trong khi mức hợp lý là 103-106/100). Đến năm 2000, con số trên lên tới 117/100. Thậm chí tỉnh Hải Nam có tới 132 con trai sinh ra so với 100 con gái. Theo ước tính, trong 15 năm tới, sẽ có 36 triệu con trai Trung Quốc không thể tìm được vợ.

Ở Ấn Độ, theo nhận xét của nhà nhân khẩu học Christophe T.Guilmoto (Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp), “nếu không có ít nhất một con trai thì cuộc sống là thảm kịch”. Ở nước này còn tồn tại câu tục ngữ: “Nuôi con gái là đi tưới vườn cho người hàng xóm”. Ấn Độ có tục lệ, khi con gái lấy chồng, bố mẹ phải lo tiền hồi môn rất nặng; con gái đã lấy chồng suốt đời chỉ lo giữ gìn tài sản của gia đình chồng. Do vậy ở nước này, vào năm 1991, tỷ lệ sinh giữa con trai và con gái đã là 106/100. Tới năm 2001, con số này lên tới 108/100, thậm chí là 125/100 tại một số bang ở Bắc Ấn Độ. Trong 15 năm tới sẽ có khoảng 30 triệu chàng trai Ấn Độ không tìm thấy con gái để lấy làm vợ.

Một số nước khác ở châu Á cũng có tình trạng thiếu cân bằng về giới tính như Acmeni, Azecbaizan. Hàn Quốc cũng là một nước phụ hệ (theo dòng cha) nhưng nhờ có chiến dịch hòa giải nên tỷ lệ sinh sản theo giới tính có giảm (110 nam/100 nữ vào năm 2000).
Phần còn lại của hành tinh sẽ không bù lại được nạn thiếu phụ nữ ở châu Á.

Các giáo sư Valerie Hudson thuộc Đại học Tổng hợp Utah (Mỹ) và Andrea Den Boer thuộc Đại học Tổng hợp Kent (Anh) cho rằng: Việc thanh niên Trung Quốc và Ấn Độ không xây dựng được gia đình có thể làm đất nước này thiếu ổn định, gây nên xung đột và chiến tranh. Họ dẫn một số nghiên cứu chứng tỏ sự gia tăng trọng tội thường có ở nam giới độc thân.

Nhà tâm lý học Martin Daly ở Đại học Tổng hợp Ontario (Canada) cho biết, xác suất sát nhân thấp hơn ở người có gia đình (so với người đã ly dị hay độc thân). Nhà sử học Mỹ David Court Wright ở Đại học Tổng hợp Bắc Florida nhận thấy mối liên quan giữa bạo lực trong lịch sử nước Mỹ với con số lớn thanh niên độc thân.

Nhà nhân khẩu học Christophe Z. Guilmoto ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp nói: “Chưa có thành tố nào chứng minh là sự tiên đoán trên có hiệu lực. Nhưng có thể điều đó khuyến khích dòng người di cư quốc tế đi từ 2 nước Trung Quốc và Ấn Độ. Người độc thân dễ di cư hơn một người cha của gia đình. Hòa bình của thế giới do đó mà bị đe dọa...”.

Chính bản thân Trung Quốc và Ấn Độ cũng thấy rõ nguy cơ của sự mất cân bằng giới tính. Trung Quốc xác định đến năm 2010 sẽ đưa tỷ lệ giới tính về mức bình thường bằng cách cấm xác định giới tính thai nhi sớm và nạo thai chọn lọc. Ở Ấn Độ, từ 1990, người ta cũng cấm phát hiện giới tính của thai nhi, nhưng lại coi việc dùng siêu âm và phá thai là những tiến bộ có ích.

GS. Nguyễn Khang, Sức Khỏe & Đời Sống

Theo Vnexpress
  • 966