Phục dựng nỏ thần Cổ Loa

  •  
  • 4.910

Thượng úy Phạm Vũ Sơn và các cộng sự thuộc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á vừa tiến hành nghiên cứu, phục dựng hình dáng, kích thước, nguyên lý hoạt động của mũi tên đồng Cổ Loa và máy bắn nỏ liên châu cách đây hơn 2.000 năm.

Kết quả này cũng góp phần giải mã sức mạnh “nỏ thần” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam và đem đến cho nhóm nghiên cứu giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008-2009).

Phục dựng máy bắn nỏ liên châu

Thượng úy Phạm Vũ Sơn kể, từ năm 2005, khi tiếp xúc với những mũi tên đồng do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thu nhận được từ đợt khai quật di chỉ Cầu Vực trong thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), anh và đồng nghiệp rất ngạc nhiên, thích thú. Bởi, ngoài truyền thuyết về sức mạnh thần kỳ của mũi tên và nỏ thần, những mũi tên thu được còn có ba cạnh, hoàn toàn khác so với các mũi tên thu thập được trước đây.

Điều khác lạ này khiến nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và TS Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á thực hiện việc nghiên cứu thực nghiệm, kiểm chứng “sức mạnh” của mũi tên đồng Cổ Loa và lẫy nỏ thuộc văn hóa Đông Sơn. “Nếu chứng minh được truyền thuyết, chúng ta sẽ phần nào hiểu thêm về nghệ thuật quân sự Việt Nam cách đây trên 2.000 năm”, thượng úy Phạm Vũ Sơn nói.

Từ đó, nhóm nghiên cứu bắt tay vào sưu tầm tư liệu hình ảnh máy bắn nỏ, lẫy nỏ trong các tài liệu sưu tầm từ thời Đông Hán, Tống (Trung Quốc) và những hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ (có niên đại cách đây hơn 2.000 năm, cùng thời với sự ra đời của truyền thuyết nỏ thần An Dương Vương)…

Qua phân tích bằng phương pháp quang phổ, nhóm nghiên cứu tìm ra thành phần cấu tạo của mũi tên đồng Cổ Loa có 95% bằng đồng; chì 3,4 - 4,2%; thiếc 1 - 1,1%. Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, tên được tạo từ hợp kim đồng vì nó có độ cứng cao, có thể mài, dũa để tạo thành những bộ phận lưỡi, mũi nhọn, sắc, có độ sát thương cao. Thiếc và chì sẽ khiến khuôn đúc mũi tên rất róc, không bị bám dính. 

Thực nghiệm bắn mũi tên Cổ Loa và máy bắn nỏ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cung cấp


Đây là cơ sở để nhóm nghiên cứu tìm nguyên liệu chế tạo mũi tên đồng. Việc đúc mũi tên được tuân thủ theo đúng phương pháp thủ công truyền thống và do các nghệ nhân đúc đồng làng Đại Bái (huyện Gia Bình, Bắc Ninh) thực hiện. Ngoài ra, thân mũi tên cũng được nhóm nghiên cứu làm từ thân cau già, vì thân cau không có đốt, có khả năng làm được thân mũi tên có độ dài nhất định, gỗ có độ dẻo, thẳng, không bị co ngót, cong vênh. Toàn bộ mũi tên dài 80 cm, đường kính 0,8 cm, nặng 80-100 g.

Trong khi chế tạo mũi tên, nhóm nghiên cứu cũng tìm cách phục dựng nguyên mẫu máy bắn nỏ liên châu (bắn nhiều tên cùng một lúc). Từ những mẫu nỏ thu được ở Hòa Bình, Nghệ An và mẫu máy nỏ trên phù điêu Angkor Wat (Campuchia), nhóm nghiên cứu đã phối hợp với những thợ làm nỏ của người Mường thử phục dựng máy nỏ và nỏ cá nhân thời Văn Lang - Âu Lạc. Bước đầu đã phục dựng được loại máy bắn nỏ có thể bắn một và nhiều mũi tên đồng cùng một lúc.

Giải mã sức mạnh “nỏ thần”

Sau khi phục dựng xong toàn bộ mũi tên và máy bắn nỏ, nhóm nghiên cứu tiến hành bắn thử và kiểm chứng sức mạnh, uy lực của mũi tên bắn ra tại nơi phục dựng máy bắn nỏ tại Hoà Bình. Ban đầu, những tấm bia được làm bằng thân cây chuối, mảng xốp đặt ở khoảng cách gần 100 m, khi bắn bằng máy, mũi tên đều xuyên qua mục tiêu. Khoảng cách tấm bia được co dịch để kiểm chứng hiệu quả gây sát thương của mũi tên. Kết quả bắn kiểm chứng cho thấy mũi tên có thể bay khoảng 100 – 120 m, nhưng tầm sát thương, mũi tên có uy lực nhất ở khoảng cách 60 – 80 m.

Thêm vào đó, “nỏ thần” An Dương Vương chủ yếu được sử dụng để chống lại các đợt tấn công thành, đối phương phải vượt qua một lớp hào sâu quanh thành nên việc nghiên cứu đặc điểm người đứng bắn từ trên cao xuống cũng được lưu ý. Theo các nhà nghiên cứu, thường đường ngắm bắn để chếch khoảng 10 độ so với đường thẳng sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Qua nghiên cứu các dấu vết để lại trên bia sau mỗi phát bắn, nhóm nghiên cứu nhận thấy đầu đạn ba cạnh trong lúc bay tạo độ xoắn để giảm lực cản của không khí, đường đạn đi ổn định, khi chạm mục tiêu trong khoảng cách gần co khả năng “xiên táo” gây sát thương hàng loạt.

Ngoài ra, mũi tên ba cạnh tạo ra vết rách to theo ba hướng, gây thoát máu nhanh, thương vong lớn cho đối phương. Đây là một đặc điểm quan trọng khiến cho đối phương hoang mang, mất bình tĩnh khi đang tấn công và là một yếu tố tạo nên tính “thần kỳ” của loại nỏ An Dương Vương so với các loại vũ khí đương thời và ngay cả với loại nỏ chỉ được bắn bằng mũi tên có hai cạnh thông thường.

Việc kiểm chứng hiệu quả của mũi tên đồng Cổ Loa và máy bắn nỏ liên châu cũng đã được thực hiện tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Nghiên cứu này cũng được Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X trao giải Nhì.

Theo Báo Đất Việt
  • 4.910