Phút cuối trên tàu con thoi Columbia

  •  
  • 2.727

Khi tiếng chuông báo động đầu tiên vang lên vào ngày 1/2/2003, phi hành đoàn 7 người trên tàu vũ trụ Columbia của Mỹ chỉ có thêm một phút để sống nhưng họ không hề hay biết điều đó. 

Phi công William McCool (trái) và chỉ huy tàu Rick Husband (phải) đang điều khiển tàu Columbia trước thời điểm xảy ra tai nạn ngày 1/2/2003. Ảnh: Reuters.


Ngày 30/12 vừa qua, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho công bố báo cáo chi tiết về những phút cuối cùng của Columbia, tàu con thoi đã nổ tung trên bầu trời bang Texas 6 năm trước. Mục đích của bản báo cáo dày 400 trang này là tìm ra biện pháp nâng cao an toàn cho những tàu vũ trụ tương lai của NASA.

Đối với các phi hành gia xấu số, chuyến hạ cánh vào ngày định mệnh năm 2003 biến thành thảm họa nhanh đến nỗi họ không kịp đóng tấm kính che mặt trên mũ bảo hộ. Tàu Columbia vỡ tan ở độ cao khoảng 19 km trên bầu trời bang Texas khi đang chuẩn bị đáp xuống Trung tâm không gian Kennedy. Nguyên nhân tai nạn là một lỗ trên cánh trái của tàu, được tạo ra sau khi miếng gốm cách nhiệt va vào cánh trong lúc tàu được phóng 16 ngày trước đó. 

Tàu Columbia nổ tung khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất với tốc độ 5,6 km/s. Ảnh: Reuters.


Khi đó phi hành gia William McCool vội vàng nhấn nhiều nút trong lúc con tàu lao xuống một cách không thể kiểm soát. Anh không hề biết nỗ lực của mình chẳng mang lại bất kỳ kết quả nào. Trong khi đó, phần lớn phi hành đoàn đang chuẩn bị cho chuyến quay trở về Trái đất mà chẳng chú ý gì tới bản thân họ. Một số không đeo găng tay bảo vệ và vẫn mở nắp kính trên mũ. Thậm chí một người còn đang ngồi ở tư thế không thắt đai an toàn.

Chỉ trong vài giây kể từ khi tiếng còi báo động đầu tiên vang lên, áp suất trong module chứa phi hành đoàn giảm rất nhanh rồi biến mất khiến họ bị ngất ngay lập tức. Các luồng khí cực nóng từ bên ngoài tràn vào module, giết chết toàn bộ phi hành đoàn và nung chảy các thiết bị.

Module chứa phi hành đoàn tách khỏi tàu và xoay tròn rất nhanh. Nếu các nhà du hành không mất mạng vì những luồng khí nóng thì họ cũng không thể sống sót sau khi cơ thể bị xoay tròn như chong chóng cùng với module. Nói cách khác 7 phi hành gia trên tàu Columbia không có cơ hội sống sót nào. 

7 phi hành gia xấu số chụp ảnh trên tàu Columbia. Ảnh: AP.


Sau khi phân tích các mảnh vỡ của tàu Columbia, nhóm điều tra nhận thấy các phi hành gia bật nhiều nút trong cabin ngay sau khi những tiếng còi báo động vang lên. Họ cũng khởi động lại hệ thống điều khiển tự động của tàu.

“Nhiều tiếng chuông vang lên đồng thời. Phi hành đoàn đã cố gắng hết sức trong nỗ lực giành lại khả năng kiểm soát con tàu. Họ chỉ có một phút ngắn ngủi để xử lý một tình huống cực kỳ khẩn cấp. Mặc dù rất cố gắng, họ không có cơ hội sống sót trong tai nạn ấy”, Wayne Hale, một chuyên gia cao cấp của NASA, kết luận.

Các phân tích cho thấy mũ bảo hộ của phi hành gia không bảo vệ được họ. Sự thiếu vắng các quy định về an toàn trước lúc hạ cánh đã gây nên những thương tổn không đáng có. Nhóm điều tra phát hiện nhiều khiếm khuyết ở các ghế và hệ thống hạ cánh bằng dù của tàu. Nhưng ngay cả khi hệ thống hạ cánh bằng dù không có vấn đề thì nó cũng chẳng được sử dụng, bởi trước đó các nhà du hành đã bị ngất.

Nếu không chết bởi tất cả lý do trên, 7 phi hành gia vẫn tử nạn bởi các điều kiện khắc nghiệt ở tầng trên của bầu khí quyển. Tăng tính năng tự động cho trang phục du hành vũ trụ và biến nó thành một phần không thể tách rời của phi thuyền là hai trong số 30 đề xuất mà bản báo cáo đưa ra.

Trong chuyến bay cuối cùng, tàu con thoi Columbia mang theo Ilan Ramon (phi hành gia Israel lần đầu tiên bay vào vũ trụ), Kalpana Chawla (nữ phi hành gia đầu tiên sinh ra ở Ấn Độ), Rick Husband (chỉ huy tàu), Willie McCool (phi công), Michael P. Anderson, Laurel B. Clark và David M. Brown.

Kể từ vụ tai nạn của tàu Columbia năm 2003 đến nay, NASA đã phóng thành công 11 tàu con thoi lên vũ trụ. Chuyến mới nhất là của tàu Endeavour chở thiết bị lên nâng cấp Trạm không gian quốc tế ISS, cuối tháng 11 vừa qua.

Theo VnExpress (AP, Reuters)
  • 2.727