Trong khi quan hệ cận huyết ở người có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thì các nhà khoa học tìm thấy nó có thể mang lại lợi ích cho thế giới hoang dã.
Các loài động vật trong tự nhiên thường tránh "yêu" họ hàng gần bởi giao phối cận huyết sẽ tạo ra những gene có hại cho thế hệ sau.
Tuy nhiên, những phỏng đoán gần đây cho thấy đôi khi lợi ích của việc giao phối cận huyết có thể lớn hơn cả cái giá phải trả của nó. Nhà sinh vật học tiến hóa Timo Thünken tại Đại học Bonn ở Đức và cộng sự đã phát hiện ra bằng chứng ủng hộ giả thuyết này.
Loài cá nhỏ châu Phi Pelvicachromis taeniatus |
Các nhà nghiên cứu cho con cái đi chọn bạn tình tại một bể cá gồm nhiều con đực. Ngược với phỏng đoán, các con cái không lảng tránh anh em mà thậm chí còn thích thú hơn. Điều này được minh chứng trong 17/23 lần thử nghiệm.
Ở loài cá này, cả bố và mẹ đều chăm sóc và bảo vệ con non khỏi kẻ thù. Điều này đòi hỏi sự hợp tác cao. Vì thế những cha mẹ là anh em họ hàng sẽ hợp tác với nhau tốt hơn so với những kẻ không cùng huyết thống. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy những cặp là họ hàng dành nhiều thời gian kèm cặp đứa con non của mình hơn. Con đực trong cặp là họ hàng cũng dành nhiều thời gian hơn hẳn bảo vệ hang ổ của mình và ít khi tấn công bạn đời.
Ngoài ra, nhóm cũng phát hiện thấy quan hệ cận huyết không dẫn tới tỷ lệ gene xấu cao hơn. Nhưng Thünken cho rằng có thể việc giao phối gần có ảnh hưởng tới những đặc điểm mà họ chưa nhìn ra, chẳng hạn như khả năng sinh sản của lứa con.
M.T.