Quảng Nam: Đăng ký bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh

  •  
  • 1.151

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Ngày 22/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lãnh đạo tỉnh này vừa có công văn gửi Bộ KH-CN và Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký quyền quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm sâm Ngọc Linh - Panax vietnamensis Ha et Grushv (tức là xin đăng ký bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh - Quảng Nam).

Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam có giá trị y dược và thương mại vô cùng lớn. Hiện 1kg tươi sâm Ngọc Linh - Quảng Nam có giá 12 - 15 triệu đồng, nhưng lúc khan hiếm có thể lên tới 25 - 30 triệu đồng; trong khi đó 1kg tươi sâm Triều Tiên chỉ có giá khoảng 4 triệu đồng.

Kể từ năm 1976, Quảng Nam đã triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về cây sâm Ngọc Linh như nghiên cứu quy trình sản xuất sâm K5; dự án bảo tồn và phát triển nguồn sâm; dự án phát triển sâm Ngọc Linh trong nhân dân; dự án khôi phục và di thực sâm Ngọc Linh tại huyện miền núi cao Tây Giang và Phước Sơn; đăng cai tổ chức hội thảo quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, qua các hoạt động này, cây sâm Ngọc Linh - Quảng Nam chủ yếu chỉ mới được quan tâm ở khía cạnh bảo tồn và phát triển cây giống.

Sâm Ngọc Linh - Panax vietnamensis
(Ảnh: home.hiroshima-u.ac.jp/shoyaku/PP2002B.htm)

Năm 2004, Quảng Nam đã lập dự án hỗ trợ 2 tỷ đồng phát triển vùng sâm tại núi Ngọc Linh. Đến thời điểm này, tỉnh đã bảo tồn và phát triển được gần 1 triệu cây sâm Ngọc Linh trên diện tích 20ha, chủ yếu tập trung tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My); đồng thời đang tiến đến giai đoạn tạo ra sản phẩm hàng hoá sâm Ngọc Linh.

Lâu nay, sâm Ngọc Linh chỉ phát hiện thấy trên núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tuy chưa hề có sự tranh chấp nào về thương hiệu, nhưng việc tìm ra một địa phương đại diện về pháp lý của cây sâm này là rất cần thiết. Do vậy, Quảng Nam đã đề nghị cơ quan thẩm quyền tiến hành khảo sát thực địa, đưa ra hệ thống tiêu chí để đánh giá, bình chọn quyền chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho Quảng Nam hoặc Kon Tum. Qua đó tạo điều kiện cho các địa phương chủ động phát triển loại cây thuốc quý giá này.

Sâm Ngọc Linh: Cây thuốc quý ở Việt Nam

Tên khoa học của sâm Ngọc Linh là Panax vietnamensis Ha et Grushv, họ Ngũ gia (Araliaceae), còn có các tên gọi khác như nhân sâm Việt Nam, sâm khu 5, cây thuốc dấu. Một số nước lân cận ngang vĩ tuyến đã đầu tư khá nhiều công, của mà vẫn chưa thấy cây nhân sâm như Việt Nam (thường nhân sâm chỉ mọc vùng ôn đới phía Bắc địa cầu).

Panax vietnamensis
(Ảnh: vncreatures.net)

Sâm Ngọc Linh là một nguồn tài nguyên thiên nhiên rất quý của nước ta nói chung và với ngành y dược nói riêng. Đây vốn là một cây thuốc quý, “bảo bối” của đồng bào dân tộc Sê đăng sống ở vùng núi cao trên dãy Trường Sơn, dùng để chữa nhiều chứng bệnh và tăng cường sức khoẻ.

Loài sâm này được dược sĩ Đào Kim Long và cộng sự phát hiện vào ngày 19/3/1973 ở độ cao 1.800m trên núi Ngọc Linh. Năm 1985, hai nhà thực vật Hà Thị Dụng (VN) và Grushvisky (Nga) đã xác định đây là một loại Panax mới và đặt tên cho nó như trên.

Rễ củ sâm Ngọc Linh chứa tới 50 saponin (sâm Triều Tiên có khoảng 25 sanopin), trong đó có nhiều hợp chất mới. Ngoài những sanopin chính mà sâm Triều Tiên có, thì sâm Ngọc Linh còn có những sanopin của nhân sâm Hoa Kỳ, nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Nhật Bản. Trong lá sâm Ngọc Linh cũng đã phân lập được 13 sanopin.

Sâm Ngọc Linh có tác dụng tăng sức lực, tăng đề kháng, chống bệnh, chống lão hoá và chống stress. Tuy nhiên, do sâm Ngọc Linh mới được phát hiện, việc nghiên cứu và dữ liệu chưa nhiều nên chưa có thể có những kết luận đầy đủ.

(Theo sách “Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược” – NXB Y học, tháng 12/2004)

Theo Vietnamnet
  • 1.151