Nhà Trắng lo ngại sức mạnh khoa học của Trung Quốc

  •  
  • 1.468

Trước những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học, giáo sư John Holdren đã đưa ra lời cảnh báo với nước Mỹ.

>> Trung Quốc muốn đứng đầu thế giới về khoa học

Ông John Holdren, Giám đốc văn phòng phụ trách chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, ngày 20/2 cho rằng Trung Quốc đang sẵn sàng tước lấy vị trí “thống lĩnh” của Mỹ trong lĩnh vực khoa học. Được biết, lời cảnh báo của ông John Holdren được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đề ra mục tiêu vượt Mỹ và châu Âu để trở thành nước đứng đầu thế giới về khoa học.

Trung Quốc tái hiện thời kỳ Liên Xô cũ

Theo ông John Holdren, Mỹ đang đối mặt với những thách thức tương tự như thời Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên. Ông cảnh báo rằng Mỹ đang đối diện với “giai đoạn vệ tinh Sputnik”, song lần này là Trung Quốc, vốn đang tăng cường đầu tư mạnh cho ngành nghiên cứu và phát triển khoa học.



Giáo sư John Holdren cho biết: “Mọi người khi nhìn vào sự đầu tư và ưu tiên của Trung Quốc đều phải thán lên rằng vị thế của Mỹ đang dần bị tước mất. Không thể phủ nhận rằng, Mỹ có những lợi thế so với Trung Quốc, nhưng nếu nhìn vào số tiền họ đầu tư cho khoa học, tôi tin rằng khoảng cách giữa hai nước sẽ sớm bị xóa bỏ".

Đối với bài phát biểu hồi tháng trước của Tổng thống Barack Obama về “giai đoạn vệ tinh Sputnik”, Giáo sư John Holdren cho hay: “Mỹ đã rất bất ngờ khi Nga đưa vệ tinh lên không gian vào năm 1957. Mỹ luôn muốn trở thành quốc gia đầu tiên làm được những điều như vậy, nhưng các giáo sư cũng như nghị sỹ đều đã phải ngước lên trời và thầm nghĩ về thành tựu mà khoa học Nga đạt được. Do vậy, khi Tổng thống nhắc tới vệ tinh Sputnik, ông ấy muốn nhắc chúng tôi về khó khăn mà khoa học Mỹ đang đối diện. Chúng ta cần phải tỉnh giấc. Chúng ta cần đầu tư cho lớp trẻ, những tương lai của đất nước. Đã đến lúc nước Mỹ cần phải đầu tư hơn nữa cho khoa học, công nghệ, toán học cao cấp và vũ trụ - không gian”.

Sức mạnh khoa học của Trung Quốc

Giáo sư Holdren cho rằng, Trung Quốc đang có những bước tiến “vượt bậc” trong việc cách tân ngành khoa học. Theo đó, Bắc Kinh không tiếc tiền khi đầu tư hàng trăm triệu nhân dân tệ cho những phòng nghiên cứu có quy mô đồ sộ ở các trường đại học. Nhờ vậy, sinh viên có cơ hội thử nghiệm những ý tưởng mới, ví dụ như các đường hầm thông gió cỡ lớn để hỗ trợ chạy thử những chiếc tàu cao tốc.

Giáo sư Holdren thừa nhận: “Với sự đầu tư của Trung Quốc, nhiều người đã lập luận rằng sớm hay muộn Mỹ cũng sẽ mất vị thế của mình trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ. Đây là điều mà Tổng thống rất quan tâm. Đó cũng là lý do tại sao ông kêu gọi tiến hành một sự cải tổ trong hệ thống giáo dục của Mỹ. Ông ấy không muốn các đối thủ của Mỹ vượt lên trước”.

Những lo ngại của Giáo sư Holdren càng có cơ sở khi Đảng Cộng hòa, hiện nắm Hạ viên, đang yêu cầu giảm 5 tỷ USD dành cho giáo dục. Trong khi đó, Trung Quốc mới đây tiết lộ rằng nước này sẽ chi khoảng 2,5% tổng sản phẩm quốc nội vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học trước năm 2020.

Theo Bee.net
  • 1.468