Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao Việt Nam

  •  
  • 2.342

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa trình Thủ tướng đề án Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao Việt Nam với số vốn dự kiến 450 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu công nghệ cao.

450 tỷ đồng góp phần thúc đẩy nền công nghệ

Theo ông Đỗ Văn Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN: "Việc xác định vốn điều lệ của Quỹ dựa trên dự kiến số doanh nghiệp công cao của Việt Nam đang chuẩn bị hình thành cũng như dựa trên kinh nghiệm từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm IDG và từ 19 quỹ công nghệ cao của Trung Quốc có số vốn trong khoảng 100 - 1.400 tỷ đồng. Như vậy Quỹ đầu tiên của Việt Nam có số vốn bằng gần 1/3 quỹ của IDG và bằng một quỹ trung bình trong 19 quỹ của Trung Quốc".

Ông Lộc cũng cho biết, thông thường thời gian thu hồi vốn đầu tư và lãi suất đầu tư cho các dự án công nghệ cao là từ 7 đến 10 năm. Để bảo đảm an toàn và rút kinh nghiệm điều hành nên thời gian hoạt động của Quỹ mới là 15 năm.

Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm việc về Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao.

Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm việc về Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao (Ảnh: Nhandan)

Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao Việt Nam sẽ đầu tư vào doanh nghiệp dưới dạng góp vốn cổ phần (không quá 30% tổng số vốn của dự án đầu tư), mua lại cổ phần chứng khoán của doanh nghiệp công nghệ cao. Lấy mục tiêu hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao là cơ bản, không lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính nên Quỹ sẽ được Nhà nước bảo đảm cấp vốn từ ngân sách. Để tăng nguồn vốn, Quỹ được phép huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách của các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.

Bộ máy điều hành Quỹ gồm Hội đồng Quản lý Quỹ (năm thành viên, do Bộ trưởng KH&CN thành lập), Giám đốc Quỹ, Hội đồng Thẩm định đầu tư. Bộ KH&CN phối hợp cùng Bộ Tài chính để kiểm soát hoạt động đầu tư. Chi phí quản lý của Quỹ hàng năm không vượt quá 2,5 % tổng số vốn của Quỹ.

Ông Lộc cho biết, hiện Việt Nam có một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động như quỹ của tập đoàn IDG (Mỹ), Quỹ Đầu tư mạo hiểm MeKong, tuy nhiên các quỹ này chủ yếu chỉ đầu tư vào công nghệ thông tin, vì vậy việc ra đời một quỹ đầu tư mạo hiểm huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước để thúc đẩy nền công nghệ cao, công nghệ mới của Việt Nam vẫn rất cần thiết.

Khái niệm quỹ đầu tư mạo hiểm bắt nguồn từ Mỹ. Đó là phương thức đầu tư mà theo đó nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp mới thành lập, chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán (chủ yếu là doanh nghiệp khoa học và công nghệ)... Khác với đầu tư tài chính thông thường, đối tượng được đầu tư mạo hiểm phần lớn là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới có quy mô vừa và nhỏ trong giai đoạn khởi nghiệp.Vì đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ mới nên độ rủi ro rất cao, nhưng ngược lại khi thành công thì lợi nhuận rất lớn. Một trong những đặc điểm của đầu tư mạo hiểm là nhà cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm không trực tiếp cung cấp vốn cho doanh nghiệp mà thông qua một tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện đầu tư và quản lý vốn đầu tư vì việc này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao.

Nên vận hành theo cơ chế thị trường

Tại quyết định số 214/2005/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường công nghệ Việt Nam, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm Việt Nam như một trong những biện pháp quan trọng cho phát triển thị trường công nghệ.

Tại phiên họp thứ 15 của Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, tất cả các ý kiến đều tán thành sự ra đời một quỹ đầu tư cho công nghệ cao như vậy. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề xoay quanh nguồn vốn, tổ chức bộ máy và phương thức quản lý Quỹ.

Ngay cả tên Quỹ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia - cho rằng "chữ 'mạo hiểm' sẽ gây tâm lý e ngại cho sự đầu tư". Ông đề nghị nên đặt tên quỹ là "Quỹ đầu tư Triển vọng". Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Quỹ nhất thiết phải vận hành theo cơ chế thị trường và giảm bớt sự can thiệp hành chính. Do đó, sự tham gia của Bộ Tài chính vào Quỹ này là không cần thiết.

Giáo sư Đỗ Quốc Sam, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng, thì cho rằng cần xác định Quỹ là tổ chức tài chính chứ không phải tổ chức hành chính cho nên nó phải hoạt động vì lợi nhuận. Vì thế thời gian hoạt động của Quỹ nên thu ngắn lại.

Tiến sĩ Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT VietSov Petro cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay chỉ nên lập Quỹ để hoạt động thí điểm, tốt nhất để tư nhân lập quỹ và Nhà nước tạo thuận lợi bằng chính sách.

Tán thành với mục tiêu hoạt động "vì lợi nhuận" của Quỹ, Tiến sĩ Trương Hữu Chí, Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp cho rằng, không nên "" cho Quỹ chỉ đầu tư vào công nghệ cao và công nghệ mới. Thay vì chỉ đầu tư vào công nghệ cao, Quỹ nên đầu tư cả vào công nghệ phù hợp, chủ yếu để triển khai kết quả nghiên cứu của các trường đại học. Vì thế nên đặt tên quỹ là Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ thích hợp Việt Nam.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tên gọi và cơ chế vận hành của Quỹ, song tất cả đều cho rằng khâu cốt yếu nhất của quỹ là thẩm định đầu tư. Những người thẩm định phải có cả năng lực khoa học công nghệ và thông thạo hoạt động tài chính. Giáo sư Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng những người như vậy "phải được trả công thật xứng đáng."

Quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới

- Mỹ: Là nước tiên phong trên thế giới về đầu tư mạo hiểm. Công ty đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Mỹ do hiệu trưởng Đại học MIT thành lập từ năm 1946. Nhiều công ty công nghệ danh tiếng của Mỹ như Microsoft, Apple, Yahoo, v.v... đều được thành lập và phát triển từ nguồn vốn mạo hiểm. Đến nay, vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ là khoảng 60 tỷ USD.

- EU: Trong EU, Anh là nước thành công hơn cả trong đầu tư mạo hiểm. Chính phủ Anh đã ban hành Luật ủy thác đầu tư mạo hiểm, theo đó ưu đãi thuế thu nhập đói với cá nhân đầu tư vào quỹ mạo hiểm. Tuy nhiên, ở Đức thì quỹ mạo hiểm không thành công lắm.

- Nhật Bản: Tương tự như Đức, quỹ mạo hiểm ở Nhật Bản cũng không thật thành công. Người ta cho rằng điều đó liên quan tới tính cách "ngại phiêu lưu" của người Nhật.

- Chile, Israel: Các quỹ đầu tư mạo hiểm rất thành công với sự tham gia của chính phủ.

(Theo tài liệu của Vụ Công nghệ cao,
Bộ Khoa học và Công nghệ)

Theo Nhân dân
  • 2.342