Rắn hổ ma ngừng sinh sản sau hạn hán kéo dài

  •  
  • 514

Lượng mưa ít ỏi làm giảm nguồn thức ăn, khiến rắn hổ ma cái ở Connecticut khó mang thai và sinh con hơn.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Illinois theo dõi số lần sinh sản của rắn hổ ma sống ở bìa rừng gần Meriden, Connecticut, Connecticut, trong đợt hạn hán 5 năm. "Trước nghiên cứu này, chúng tôi biết rất ít về tác động trực tiếp của hạn hán tới quá trình sinh sản ở rắn", Mark A. Davis, nhà sinh vật học bảo tồn trong dự án Khảo sát Lịch sử Tự nhiên Illinois của trường đại học, chia sẻ.

Rắn hổ ma cái trong khu rừng ở Connecticut.
Rắn hổ ma cái trong khu rừng ở Connecticut. (Ảnh: Chuck Smith).

Rắn hổ ma phải vỗ béo cơ thể để chuẩn bị sinh sản. Trong năm đầu tiên Davis và cộng sự tiến hành khảo sát, sự xuất hiện của đàn ve sầu lớn cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho rắn hổ ma. Vào mùa hè, 20 con rắn cái đẻ tổng cộng 148 con non.

Năm 2012, năm thứ hai trong cuộc khảo sát, hạn hán bắt đầu và kéo dài suốt 5 năm. Do rắn hổ ma ngủ đông và mang thai ở cùng địa điểm mỗi năm, việc theo dõi tỷ lệ sinh sản thành công của quần thể tương đối dễ. Quan sát của nhóm nghiên cứu cho thấy lượng mưa giảm kéo theo số rắn mang thai ít hơn.

Rắn hổ ma chủ yếu ăn nòng nọc, kỳ giông, các loài bò sát và động vật lưỡng cư nhỏ khác phụ thuộc vào môi trường nước. Khi hạn hán kéo dài, nguồn thức ăn của chúng trở nên ít ỏi. Trong những năm đầu hạn hán, một số con rắn tiếp tục sinh sản và đẻ 6 con rắn non kích thước bình thường mỗi lứa. Tuy nhiên, càng về sau, số rắn cái sinh con càng thấp.

Kết quả khảo sát công bố hôm 24/10 trên tạp chí Scientific Reports chỉ ra rắn hổ ma có sức sống bền bỉ nhưng vẫn chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Trong điều kiện các đợt hạn hán dài ngày diễn ra thường xuyên hơn, tỷ lệ sinh sản giảm có thể góp phần thu nhỏ số lượng quần thể.

Cập nhật: 04/11/2019 Theo VnExpress
  • 514