Rạn san hô ở Việt Nam – Đang hồi nguy cấp

  •  
  • 3.039

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo có tới chín phần mười trong số hơn 1.000km2 rạn san hô ở Việt Nam đang hồi nguy cấp trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng tồi tệ và các nguồn lợi thủy sinh ngày càng cạn kiện.

(Ảnh minh họa: epa.gov)

Từ cuộc khảo cứu cách đây một tuần, các nhà khoa học sửng sốt trước sự suy thoái nghiêm trọng của các rạn san hô ở vùng Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới.

TS Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Thực vật biển, Đội trưởng Đội Cảnh sát ngầm (Viện Tài nguyên Môi trường biển), cho biết: "Sau cuộc khảo sát san hô ở Vịnh Hạ Long, buồn lắm. Không còn gì để nói. San hô chết hết bao gồm cả mới lẫn cũ. Mới chết xương còn trắng. Cũ bị rong phủ gần hết".

200 điểm rạn san hô được khảo sát ở vùng biển ven bờ Việt Nam cho thấy, trong vòng 10 năm, qua độ phủ của san hô bị suy giảm đáng kể.

Theo TS Nguyễn Huy Yết, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, ở đâu rong phủ, ở đó san hô không còn đất sống. Trên nền đá cứng dưới đáy biển, san hô và rong cạnh tranh quyết liệt để lấy chỗ bám sinh sống và phát triển. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh ở Vịnh Hạ Long và xung quanh chỉ suy thoái và tiêu diệt. Đến là chưa kể bị mất đi con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ.

Điều tra các nguồn đánh bắt hải sản thời gian gần đây ở vùng vịnh Hạ Long và xung quanh, các nhà khoa học cũng thấy vắng bóng các loại hải sản quý như cá bướm, mú, kiếm, ốc nón, ốc tù và con tranh học, v.v... Bộ thủy sản cho biết, sản lượng khai thác của các tàu giảm từ 1,1 tấn/sức ngựa (HP) vào năm 1985 xuống còn 0,45 tấn/HP vào năm 2000.

Trên diện tích khoảng 1.100km2 rạn san hô ở nước ta có 350 loài san hô và 800 loại cá sinh sống, chiếm 18-60% tổng số loài cá ở vùng biển các nước láng giềng. Một báo cáo điều tra san hô Việt Nam cho biết, 96% san hô bị đe dọa trong đó 75% bị đe dọa nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Năm 2000, TS Yết cùng cộng sự từng đi khảo sát san hô ở quần đảo Cô Tô, cách bờ biển Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh 30 km, gồm khoảng 15 đảo nhỏ và ba đảo lớn (Cô Tô lớn, Thanh Lân, Cô Tô con). “Hồi đó, tôi còn thấy san hô vẫn tốt, độ phủ nhiều rạn san hô sống đạt trên 50%", TS Yết nói.

Năm 1985, hầu như chỗ nào ven đảo Hạ Long cũng đều có san hô. Đến năm 1998, mất 1/3 rạn san hô so với năm 1985. Khảo sát hồi giữa tháng Sáu năm nay cho thấy vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hầu như không còn san hô nữa.

Nhiều người đi nghỉ mát ở Bãi Cháy mấy năm gần đây phàn nàn nước biển nơi đây đục hơn xưa và sau khi bơi da thấy ngứa hơn trước.

Trớ trêu là vịnh Hạ Long nằm trong số ba địa điểm được xếp loại có hiệu quả quản lý khá theo liêu chuẩn đánh giá của mô hình quốc tế: Cát Bà, Côn Đảo và vịnh Hạ Long. So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, mô hình tính toán mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia).

Theo Nhân dân
  • 3.039