Răng lọt vào phổi do lên cơn động kinh

  •  
  • 224

Khi cháu Phạm Quốc Hiền - 6 tuổi, ở Tân Phú, TP HCM - lên cơn động kinh, bố mẹ đã lấy vật cứng nhét vào miệng để cháu khỏi cắn vào lưỡi. Kết quả, một cái răng của cháu bị "mất tích". Cái răng này đã đến "làm khách" trong phổi trái của cháu hơn 10 ngày mà không ai biết.

Bệnh nhi nội trú tại Khoa tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng I.
Bệnh nhi nội trú tại Khoa tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng I (Ảnh: VNE)
Sau đó, cháu Hiền được đưa đến điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện nhi đồng I. Tại đây, bố cháu thắc mắc với bác sĩ, không biết cái răng bị gãy khi cháu bị co giật có thể rơi vào đâu trong cơ thể vì tìm bên ngoài không thấy. Bác sĩ Khoa thần kinh chuyển cháu Hiền qua Khoa tai mũi họng để kiểm tra dị vật trong đường thở.

Mặc dù, bệnh nhi chưa có biểu hiện gì về bệnh tai mũi họng nhưng bác sĩ vẫn tiến hành nội soi để tìm cái răng. Họ đã phải chụp X-quang, nội soi đến 3 lần mới tìm ra trong phổi trái. Lúc này chiếc răng gãy đã làm phổi bị sưng lên và có mủ.

Lo ngại nếu để lâu sẽ làm abse phổi, trào mủ phổi và dẫn đến tử vong, hôm qua (29/3), 10 ngày sau sự cố "mất răng", các bác sĩ đã tiến hành mổ để gắp răng ra ngoài. Vì đã qua một thời gian dài nên cái răng đã kết mạc dính rất chặt vào phổi, khó gắp ra. Bác sĩ phải dùng ống têlê gắn vào ống nội soi phóng đại hình ảnh mới gắp được dị vật ra. "Do cái răng bị sâu nên khi chụp X.quang cho hình ảnh không rõ ràng", bác sĩ thực hiện ca mổ cho biết. 

Theo bác sĩ Trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện nhi đồng I Đặng Hoàng Sơn, đây là lần đầu tiên có người bệnh động kinh bị gãy răng rồi rơi luôn vào phổi. Phổi bên phải dốc, phổi bên trái ngang, bình thường dị vật sẽ rơi vào phổi phải. Thế nhưng trường hợp này dị vật lại rơi vào phổi trái khiến bác sĩ cũng ngạc nhiên.

Bác sĩ cho rằng, khi trẻ lên cơn co giật do động kinh, hãy mở nút áo quần ra cho trẻ thoải mái, đặt trẻ nằm ở tư thế dễ thở nhất. Nếu thấy trẻ thở đều, không chảy máu, răng khít chặt là không sao. Chỉ cần theo dõi tình trạng, nếu trẻ lên cơn co giật kéo dài nên đưa đến bệnh viện. Tuyệt đối không cạy răng đặt vật cứng vào giữa hai hàm răng, không vắt chanh vào miệng trẻ để ngăn cơn co giật theo cách dân gian. Điều này có thể làm trẻ bị sặc, bị rơi hạt chanh hay những dị vật khác vào phổi làm sưng, viêm hay có mủ trong phổi. Những trường hợp viêm phổi như thế rất khó tìm ra nguyên nhân.

Võ An

Theo Vnexpress
  • 224