Những đôi vợ chồng sống ở vùng nhiệt đới có nhiều khả năng sinh con gái hơn những gia đình sống ở các vùng ôn đới như châu Âu. Đó là kết luận rút ra từ một nghiên cứu dịch tễ học được công bố trên tạp chí chuyên ngành sinh học Biology Letters của Anh.
Mặc dù được công bố đúng vào ngày Cá tháng 4 vừa qua, nhưng nghiên cứu trên của chuyên gia nội tiết Kristen Navara thuộc Đại học Georgie (Mỹ) không hề là một câu chuyện đùa.
Nữ chuyên gia này đã sưu tập tất cả những tài liệu thống kê được cơ quan tình báo Anh CIA cung cấp về số lượng trẻ em cả nam và nữ sinh ra trong thời điểm từ 1997-2002 tại 202 quốc gia. Theo đó số lượng các bé trai chiếm trung bình 51,3% tổng số trẻ sơ sinh trên thế giới, tuy nhiên con số này lại thể hiện những sự chênh lệch lớn tùy theo khí hậu của từng nước.
Tại các vùng có khí hậu nhiệt đới, tỉ lệ trẻ sơ sinh nam chỉ chiếm khoảng 51,1% và thậm chí là 50,8% đối với vùng Hạ Saraha (châu Phi) so với 51,4% ở châu Âu. Sự chênh lệch này đã tính tới cả yếu tố văn hóa , ví dụ như ở Trung Quốc hay Ấn Độ, các gia đình thường thích sinh con trai hơn dẫn tới tình trạng nạo phá thai phổ biến khi thai nhi được xác định là nữ giới. Hiện tượng này không chỉ xảy ra riêng ở châu Á mà còn xuất hiện tại nhiều nước châu Phi.
Vấn đề "chỉ số giới tính" đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học từ nhiều thập kỷ nay. Vào thế kỷ 19, nhà vật lý người Pháp Pierre-Simon Laplace đã so sánh các số liệu thu thập được về số lượng trẻ sơ sinh tại hai thành phố Paris và Luân Đôn. Đến năm 1930, nhà khoa học người Anh Ronald Fischer cũng chú tâm nghiên cứu về vấn đề này.
Ở Pháp, tính tới nay, tỉ lệ trung bình giữa trẻ sơ sinh nam và nữ là 105/100, trong khi đó ở Trung Quốc, tỉ lệ này là 120/100. Chuyên gia về vấn đề sinh sản Bernard Jegou thuộc Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (Inserm) và trường Đại học Rennes I cho biết ở các loài động vật hoang dã hoặc những động vật thí nghiệm, các quan sát cho thấy sự sinh sản tinh trùng ở con đực sẽ tăng cao vào mùa hè hơn là mùa đông. Hiện tượng này liên quan đến khoảng thời gian chiếu sáng và bắt nguồn từ tuyến yên nằm trong não vốn có vai trò chủ đạo trong việc điều hòa nhịp sinh học bằng cách kích hoạt sự sản sinh giao tử. Hoóc môn melatonin tiết ra từ tuyến yên là chất trung gian được sử dụng để thể hiện tác động của ánh sáng tới quá trình sinh sản.
Bernard Jegou nhận xét: "Khi thời gian chiếu sáng kéo dài, tuyến yên sẽ được soi sáng nhiều hơn. Trong phòng thí nghiệm, tôi quan sát thấy việc điều chỉnh thời gian chiếu sáng sẽ ảnh hưởng tới việc sinh con đực hoặc con cái ở chuột hamster. Nếu để đèn chiếu sáng càng lâu, thời gian tắt đèn càng ngắn, thì chuột hamster càng sinh nhiều chuột cái hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với con người".