Robot “gián điệp” chim cánh cụt

  •  
  • 795

Các nhà khoa học đã tạo ra robot để đến những nơi con người không thể hoặc khó đến như Mặt trăng và sao Hỏa. Mới đây, họ chế tạo robot để khám phá một nơi khác đầy thách thức: Nam cực.

>>> Robot chim cánh cụt

Theo Los Angeles Times ngày 3/11, robot do các nhà khoa học tại Đại học Strasbourg (Pháp) chế tạo, di chuyển bằng bánh xe và có hình dáng như một chú chim cánh cụt con đáng yêu.

Robot “gián điệp” chim cánh cụt
Chú robot “gián điệp” chim cánh cụt do các nhà khoa học tại Đại học Strasbourg (Pháp) chế tạo - (Ảnh: Nature Methods)

Với ngoại hình này, nó dễ dàng thâm nhập và nghiên cứu các sinh vật của vùng Nam cực mà không gây chú ý.

“Việc con người tiếp cận động vật hoang dã để nghiên cứu có thể gây căng thẳng, phản ứng ở chúng và do đó ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu", các tác giả nghiên cứu viết trên tạp chí Nature Methods.

Với một robot thì khác. Bầy chim cánh cụt có thể cảnh giác, nhưng chúng không cảm thấy bị đe dọa. Các nhà khoa học đã thử và thấy khi tiếp cận robot, chim cánh cụt đứng xa trung bình khoảng 8cm, một số con thậm chí tỏ ra tò mò và đến gần robot. Nhưng khi con người đến gần, chúng tránh xa đến 43cm.

Các nhà nghiên cứu cũng thử cho robot lại gần hải cẩu voi, và chúng đã không thèm nhúc nhích dù “kẻ lạ mặt” tiến đến gần đầu hoặc đuôi của chúng, dù bình thường chúng sẽ phản ứng tiêu cực với những ai tiếp cận từ phía sau.

Theo các tác giả nghiên cứu, họ có thể dùng robot này để làm “gián điệp” điều tra đời sống của tất cả loài động vật mà không làm phiền chúng. Và trong tương lai, robot thậm chí có thể giúp theo dõi các loài biết bơi và biết bay.

Theo Tuổi Trẻ
  • 795