Công nghệ mới tạo nước uống từ sương mù có thể đáp ứng nhu cầu về nước của người dân ngày càng tăng tại những khu vực khô hạn.
Các nhà khoa học đến từ trung tâm MIT ở bang Masachussett, Mỹ, đang phát triển các nhiên cứu có hệ thống đầu tiên nhằm tối ưu hóa hiệu quả của việc thu hoạch sương mù. Một số quốc gia có lượng nước uống hạn chế như Chile, Peru và Mexico đã thử nghiệm công nghệ thu gom sương mù tạo ra nước uống từ vài năm trước.
Để thu hoạch sương mù, họ sử dụng tấm lưới nhựa dựng trên các cọc, khi không khí chứa sương mù bay qua lưới, những giọt nước ngưng tụ lại trên bề mặt sợi lưới, sau đó nước được thu gom lại vào bể chứa.
Tấm lưới tạo nước từ sương mù. (Ảnh: K-C. Park)
Thiết bị này hoạt động tốt hay không tùy thuộc vào loại lưới sử dụng. "Phương pháp này có chi phí thấp, vật liệu sử dụng có sẵn và bền vững. Chúng tôi phát hiện ra rằng để làm tăng lượng nước thu được cần giảm thiểu khoảng cách giữa các sợi lưới và độ dày của sợi lưới bằng ba lần chiều rộng của một sợi tóc con người, tuy nhiên làm như vậy chúng sẽ thiếu độ bền", Gareth McKinley, một kỹ sư của MIT cho biết.
"Bằng công nghệ mới chúng tôi làm tăng khả năng tạo ra nước từ vài lít mỗi mét vuông lưới lên đến hơn 12 lít mỗi mét vuông một ngày, có khả năng đáp ứng được nhu cầu nước rộng lớn ở vùng nông thôn khô cằn ở Chile, nơi các cộng đồng tiếp cận hạn chế với điện và nước uống", ông nói thêm.
Nước từ sương mù về bản chất khá tinh khiết và an toàn để uống trực tiếp. Tuy nhiên, với hiện trạng ô nhiễm hiện nay các chất độc hại có thể tồn tại trong những giọt sương, nhất là khu vực công nghiệp hóa, nơi có nồng độ cao của thuốc trừ sâu và chất thải nông nghiệp, các nhà nghiên cứu không phát hiện được nồng độ gây hại của chúng trong các mẫu nước thu thập được ở Chile.
Kế hoạch tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ là triển khai thiết kế mới ở Chile để xác định độ bền vật liệu và hiệu quả của lưới, họ hy vọng cùng với người dân địa phương triển khai sử dụng thiết bị trên quy mô lớn.