Độc đáo tượng Kút Champa

  •  
  • 936

Trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa, tượng Kút là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi sinh sống của cư dân Chăm ngày nay. Đến giờ, nguồn gốc của loại hình này vẫn còn nhiều bí ẩn.

Tượng Kút tại đền Ponít, Bình Thuận.

Nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng tại Viện Khảo cổ học cho biết tượng Kút có thể bắt nguồn từ loại hình tượng thờ đá của người Chăm có niên đại khá sớm. Tượng có hình thức tương tự các bia mộ của người Việt, Trung Hoa, hay đạo Hồi ở Indonexia. Đến nay người Chăm vẫn chế tạo và sử dụng Kút trong các buổi tang lễ và vẫn thờ các Kút cổ xưa của tổ tiên truyền lại trong các đền thờ của dòng họ.

Chất liệu chế tác Kút là đá thường có màu xám nhạt, hạt mịn, độ cứng không cao, dễ đục chạm. Kút thường có hình cánh sen. Từ Kút cánh sen dáng thon nhọn được biến thể thành các loại khác khác nhau với vai xuôi vê tròn, thắt giữa tạo nên nét đọc đáo riêng. Một số Kút tạo dáng hình người nhưng vẫn lấy dáng cánh sen làm nền chủ đạo tạo nên hồn tác phẩm.

Một số Kút có bệ riêng gá lắp vào nhau theo kỹ thuật mộng khớp tạo nên vật thờ hoàn chỉnh. Một số Kút chế tác liền khối, không có bệ, chôn trực tiếp xuống nơi thờ.

Hoa văn trang trí Kút khá đơn giản, đa phần dùng hoạ tiết thực vật, cánh hoa, hoa dây uốn lượn, hoa xoắn hình ngọn lửa. Một số bệ Kút tạc hoa văn cánch sen, núm vú kết dải vây quanh. Trang trí lòng bệ Kút đơn giản, để phân biệt giới tính người quá cố: Lòng Kút tạo hình cột thiêng, tương tự hình ảnh Linga thu nhỏ, để biểu trưng cho nam giới. Lòng Kút tác hoa văn xoắn hình núm vú biểu tượng cho nữ giới.

Kút tại đền Poklung Mơnai, Bình Thuận. Bên trái là tượng dành cho nữ, phải là nam.

Thông thường Kút nữ giới thường được tạo kích thước lớn hơn, trang trí đẹp hơn Kút nam giới, điều đó chứng tỏ người phụ nữ được coi trọng hơn trong cộng đồng cư dân Champa trong thời kỳ này.

Theo ông Phụng, trong quá trình nghiên cứu, các học giả đều thống nhất rằng Kút ra đời khá muộn trong tiến trình nghệ thuật điêu khắc đá Champa, thuộc những giai đoạn kế tiếp của phong cách nghệ thuật PoRome. Sau này người Chăm vẫn tiếp tục dựng Kút nhưng chỉ là những hòn đá bia mộ tự nhiên mà cho đến nay vẫn còn sử dụng.

K.H

Theo VnExpress
  • 936