Hóa thạch 1 tỷ năm tuổi của thực vật cổ nhất thế giới

  •  
  • 402

Các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch thuộc loại tảo lục bao phủ đáy biển, được cho là tổ tiên của những thực vật trên cạn xuất hiện sớm nhất.

Hóa thạch của Proterocladus.
Hóa thạch của Proterocladus. (Ảnh: Guardian).

Theo nghiên cứu công bố hôm 24/2 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, loài tảo tên Proterocladus antiquus có kích thước bằng hạt gạo và gồm nhiều nhánh mỏng, phát triển ở vùng nước nông và bám vào đáy biển nhờ cấu trúc rễ. Dù có vẻ nhỏ, Proterocladus là một trong những tổ chức sống lớn nhất cách đây một tỷ năm, chung môi trường với vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Loài tảo này tồn tại nhờ quang hợp, chuyển hóa năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời thành năng lượng hóa học và sản sinh oxy.

Qing Tang, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học ở Viện Bách khoa Virginia, tác giả chính của nghiên cứu, và cộng sự phát hiện hóa thạch của Proterocladus gần thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh. Theo họ, sinh quyển của Trái Đất phụ thuộc nhiều vào thực vật để lấy thức ăn và oxy. Các loài thực vật đầu tiên trên cạn, hậu duệ của tảo lục, xuất hiện cách đây 450 triệu năm.

Sự thay đổi tiến hóa trên Trái Đất có thể xảy ra 2 tỷ năm trước từ tế bào đơn giản như vi khuẩn thành nhóm sinh vật nhân thực. Những thực vật đầu tiên là tổ chức đơn bào. Sự chuyển tiếp sang thực vật đa bào như Proterocladus mở đường cho cây cối bao phủ Trái Đất, từ cây dương xỉ tới cự sam.

Proterocladus có niên đại lâu hơn 200 triệu năm so với loài tảo lục lâu đời nhất từng được giới khoa học biết đến trước đây. Một trong những họ hàng thời hiện đại của loài tảo này là loại rong biển ăn được mang tên rau diếp biển.

Cập nhật: 26/02/2020 Theo VnExpress
  • 402