Hơn một trăm bình cốt và nhiều quan tài chứa những bộ xương được đặt trên vách đá trong khu rừng hẻo lánh ở Campuchia trong nhiều thế kỷ, đang nắm giữ những bí mật của một dân tộc bí ẩn.
Tại sao xương đặt trong bình trên một vách đá cao khoảng 100 mét trong dãy núi Cardamom của Campuchia? Những người này thực sự là ai? Đó là những câu hỏi khiến các chuyên gia nghiên cứu không khỏi đau đầu.
Những chiếc quan tài gỗ trên vách núi của dãy Cardamom. (Ảnh: AFP)
Suốt 7 năm, Nancy Beavan, nhà khảo cổ học chuyên xác định niên đại bằng carbon đã tìm kiếm câu trả lời cho nghĩa địa cổ trên. Cô cẩn thận ghép nối các manh mối trong sách sử, truyền thuyền về một tộc người bí ẩn sống ở thời kỳ Angkor, cô cũng đi thực địa tại 10 địa điểm quanh khu vực ở tây nam Campuchia.
AFP dẫn lời Beavan thắc mắc: "Tại sao lại đặt xương vào các bình? Tập tục này không xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào khác của Campuchia".
Các thử nghiệm cho thấy một số mảnh xương tìm thấy ở nghĩa địa có niên đại tới 600 năm, trong đó 10 bình có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, và 12 quan tài (chiếc lâu đời nhất là từ thế kỷ 14) được tìm thấy tại dãy núi Cardamom.
Theo các nhà nghiên cứu, tục treo quan tài trên vách núi (huyền táng) không phải quá lạ ở các quốc gia châu Á. Đây được coi là hình thức mai táng cổ xưa nhất của người Trung Quốc. Nhóm khoa học cho rằng, trong số những bộ xương được chôn ở nghĩa địa kỳ bí này, một phần có xuất xứ từ vương quốc Xiêm La, ngày nay là Thái Lan. Số còn lại thuộc một dân tộc thiểu số sống ở thời kỳ cai trị của vương triều Angkor. Vương triều này đã cai trị đất nước Campuchia 6 thế kỷ và xây dựng nên quần thể đền Angkor Wat nổi tiếng.
Những chiếc bình đựng cốt mà nhà khảo cổ tìm thấy trên vách núi. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa thể lý giải tại sao hài cốt lại được bảo quản trong bình, bởi ở một quốc gia Phật giáo như Campuchia, hỏa táng đã và đang là một phong tục được đại bộ phận dân chúng tuân theo. Mặt khác, cho tới giờ không có bất kỳ ghi chép nào về việc người Campuchia có tục lệ huyền táng như thế.