Tổng quan về sao Hỏa

  •  
  • 3.682

Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh, là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh. Nó thường được gọi với tên khác là "Hành tinh Đỏ", do sắt ôxít có mặt rất nhiều trên bề mặt hành tinh làm cho bề mặt nó hiện lên với màu đỏ đặc trưng.

Sao Hỏa là một hành tinh đất đá với một khí quyển mỏng, có những đặc điểm trên bề mặt có nét giống với cả các hố va chạm trên Mặt Trăng và các núi lửa, thung lũng, sa mạc và chỏm băng ở cực trên của Trái đất.

Sao Hỏa chụp bởi tàu quỹ đạo Viking 1 năm 1980.
Sao Hỏa chụp bởi tàu quỹ đạo Viking 1 năm 1980.

Đặc tính vật lý của sao Hỏa

Bán kính của sao Hỏa xấp xỉ bằng một nửa bán kính của Trái Đất. Tỷ trọng của nó nhỏ hơn của Trái Đất, với thể tích chỉ bằng 15% thể tích Trái Đất và khối lượng chỉ bằng 11%. Diện tích bề mặt của hành tinh đỏ chỉ hơi nhỏ hơn tổng diện tích đất liền trên Trái Đất.

Các nhà khoa học nhận thấy bề mặt sao Hỏa có thành phần chủ yếu từ đá bazan. Một số chứng cứ cho thấy có nơi trên bề mặt sao Hỏa giàu silic hơn bazan, và có thể giống với đá andesit ở trên Trái Đất.

Đất trên sao Hỏa có tính kiềm yếu và chứa các nguyên tố như magiê, natri, kali và clo. Những dưỡng chất này được tìm thấy trong đất canh tác trên Trái Đất, và cần thiết cho sự phát triển của thực vật.

Địa mạo trên sao Hỏa gợi ra một cách mạnh mẽ rằng nước lỏng đã từng có thời điểm tồn tại trên bề mặt hành tinh này.

Khí quyển của sao Hỏa

Sao Hỏa đã mất từ quyển của nó từ 4 tỷ năm trước, do vậy gió Mặt Trời tương tác trực tiếp đến tầng điện li của hành tinh, làm giảm mật độ khí quyển do dần dần tước đi các nguyên tử ở lớp ngoài cùng của bầu khí quyển.

Bầu khí quyển sao Hỏa chứa 95% cacbon điôxít, 3% nitơ, 1,6% argon và chứa dấu vết của ôxy và hơi nước. Khí quyển khá là bụi bặm, chứa các hạt bụi đường kính khoảng 1,5 µm khiến cho bầu trời sao Hỏa có màu vàng nâu khi đứng nhìn từ bề mặt của nó.

Bầu khí quyển mỏng manh của Hỏa Tinh, nhìn từ chân trời trong bức ảnh chụp từ quỹ đạo thấp.
Bầu khí quyển mỏng manh của Hỏa Tinh, nhìn từ chân trời trong bức ảnh chụp từ quỹ đạo thấp.

Khí hậu trên sao Hỏa

Trong số các hành tinh trong hệ Mặt Trời, các mùa trên sao Hỏa là gần giống với trên Trái Đất nhất, do sự gần bằng về độ nghiêng của trục tự quay ở hai hành tinh. Độ dài các mùa trên Hỏa Tinh bằng khoảng hai lần trên Trái Đất, do khoảng cách từ sao Hỏa đến Mặt Trời lớn hơn dẫn đến một năm trên hành tinh này bằng khoảng hai năm Trái Đất. Nhiệt độ sao Hỏa thay đổi từ nhiệt độ rất thấp -87°C trong thời gian mùa đông ở các cực cho đến -5°C vào mùa hè.

Quỹ đạo của sao Hỏa

Khoảng cách trung bình từ sao Hỏa đến Mặt Trời vào khoảng 230 triệu km (1,5 AU) và chu kỳ quỹ đạo của nó bằng 687 ngày Trái Đất.

Vệ tinh của sao Hỏa

Sao Hỏa có hai vệ tinh tự nhiên tương đối nhỏ, Phobos và Deimos, chúng quay quanh trên những quỹ đạo khá gần hành tinh.

Sự sống trên sao Hỏa

Nhiều bằng chứng ủng hộ cho Hỏa Tinh trước đây đã từng có những điều kiện cho sự sống phát triển hơn so với ngày nay, nhưng liệu các sinh vật sống có từng tồn tại hay không vẫn còn là bí ẩn.

Thám hiểm sao Hỏa

Robot Spirit đổ bộ lên sao Hỏa năm 2004.
Robot Spirit đổ bộ lên sao Hỏa năm 2004.

Hàng tá tàu không gian, bao gồm tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ, và robot tự hành, đã được gửi đến sao Hỏa bởi Liên Xô, Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản nhằm nghiên cứu bề mặt, khí hậu và địa chất hành tinh đỏ.

Những tàu còn hoạt động cho đến năm 2011 bao gồm Mars Reconnaissance Orbiter (từ 2006), Mars Express (từ 2003), 2001 Mars Odyssey(từ 2001), và trên bề mặt là robot tự hành Opportunity (từ 2004). Những phi vụ kết thúc gần đây bao gồm Mars Global Surveyor (1997–2006) và Robot tự hành Spirit (2004–2010).

Kế hoạch đưa người lên sao Hỏa

Cơ quan ESA hi vọng đưa người đặt chân lên sao Hỏa trong khoảng thời gian 2030 và 2035. Quá trình này sẽ tiếp bước sau khi phóng những con tàu lớn một cách thành công đến hành tinh, mà bắt đầu từ tàu ExoMars và phi vụ hợp tác NASA-ESA nhằm gửi về Trái Đất mẫu đất của sao Hỏa.

Quá trình thám hiểm có con người của Hoa Kỳ đã được định ra là một mục tiêu lâu dài trong chương trình Viễn cảnh thám hiểm không gian công bố năm 2004 bởi Tổng thống George W. Bush. Với kế hoạch chế tạo tàu Orion nhằm đưa người trở lại Mặt Trăng trong thập niên 2020 được coi là một bước cơ bản trong quá trình đưa người lên sao Hỏa. Ngày 28 tháng 9 năm 2007, người đứng đầu cơ quan NASA Michael D. Griffin phát biểu NASA hướng mục tiêu đưa người lên sao Hỏa vào năm 2037.

Cập nhật: 07/11/2018 Theo wiki
  • 3.682