San mặt ruộng điều khiển bằng tia laser

  •  
  • 4.426

Từ sản phẩm máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser do Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao, các nhà khoa học của Trung tâm Năng lượng và Máy Nông nghiệp- Đại học Nông Lâm TPHCM đã nghiên cứu cải tiến cho phù hợp tại Việt Nam.

Máy san phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser

Trên cơ sở này, sản phẩm đã được chuyển giao kỹ thuật và phát huy tác dụng rộng rãi. 
 
Tháng 5/2005, tại Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu. Một thửa đất 2,7 ha (lô 4), độ chênh lệch cao trình ban đầu 220mm đã được giảm chỉ còn 26mm trên toàn lô này sau 53 giờ san (chưa kể khoảng 3 giờ cày chỗ đất cao để dễ san).

Đây là thành quả đầu tiên do Trung tâm Năng lượng và Máy Nông nghiệp ứng dụng sản phẩm máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser do Viện nghiên cứu lúa quốc tế chuyển giao cho Việt Nam vào thử nghiệm san phẳng 12 ha đất lúa ở vùng đất Bạc Liêu này.

Th.S Trần Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp, ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Các nhà khoa học của Trung tâm đã chế tạo một gàu san liên hợp với máy kéo MTZ-892 (110 ngựa) có thể xử lý được những địa hình khó.

Trung tâm đã phối hợp cùng các cơ quan quan tâm nhanh chóng phổ biến tiến bộ kỹ thuật này vào sản xuất, giúp bà con nông dân có thể sử dụng sản phẩm.

Bước đột phá của ngành nông nghiệp

Th.S Khanh cũng cho biết: Qua 3 năm thực hiện nghiên cứu song song với chuyển giao kỹ thuật, nhóm đã thu được những kết quả khá khả quan.

Trong đó phải kể đến việc Trung tâm phối hợp cùng Cục Bảo vệ Thực vật- Bộ NN&PTNT và Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh An Giang dùng thiết bị nói trên để tiến hành các thí nghiệm trình diễn về chương trình “3 giảm, 3 tăng” tại huyện Châu Thành.

Kết quả so với đối chứng cho thấy lúa trên lô đất san phẳng cho năng suất đạt được cao hơn 1,5 tấn/ha (8,4 tấn so với 6,9 tấn/ha), và chi phí sản xuất giảm, trong đó công lao động làm cỏ giảm từ 6 triệu đồng xuống còn 4 triệu đồng/ha, lượng dầu diesel dùng bơm nước giảm từ 80 lít xuống còn 30 lít/ha.

Tại Trại giống Lâm Hà (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thuộc Cty Cổ phần Giống Cây trồng miền Nam có diện tích 28,6 ha, do địa hình đồi dốc nên để có những lô đất phẳng tương đối, nơi đây phải phân gần 300 lô để sản xuất giống rau, lúa ... Cty đã áp dụng những ưu điểm của phương pháp san phẳng điều khiển bằng tia laser san phẳng và hình thành lô thửa mới với diện tích bình quân 4.000m2/lô.

Đặc biệt ngoài những ưu điểm đã được IRRI đúc kết trước đây, khi tạo mặt đồng phẳng, nhiều nhà chuyên môn, bà con nông dân còn bổ sung những ưu điểm khác khi kết hợp biện pháp tưới hợp lý như dễ dàng diệt ốc bươu vàng, phòng chống rầy; cây lúa đứng, ít đổ ngã…

Với những tích cực trong việc phổ biến và ứng dụng tại Việt Nam, vừa qua IRRI đã hợp đồng với Trung tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật san phẳng điều khiển laser cho nước bạn Lào. Khóa huấn luyện chuyển giao kỹ thuật đã thực hiện vào tháng 4/2008 tại Trung tâm Nghiên cứu giống Thasano, tỉnh Savanakhet, Lào. Cho đến nay, phía Lào đã có thể tự điều khiển sản phẩm san được 10 ha…

 

Theo Th.S Trần Văn Khanh, do những khó khăn trong việc nhập thiết bị nên bà con nông dân vẫn chưa thể dễ dàng mua được thiết bị.

Trong năm 2008, Trung tâm đã phối hợp với một công ty nhập khẩu thiết bị. Hy vọng trong thời gian sắp tới, nông dân Việt Nam có thể mua được các thiết bị này để sử dụng kèm với chính sách hậu mãi phù hợp.

Hiện giá một bộ máy kéo và thiết bị gồm máy kéo MTZ 892 (110 mã lực; 4 bánh chủ động; nhập khẩu từ Belarus), bộ thiết bị điều khiển bằng tia laser và cụm gàu san là 540 triệu đồng (thời giá tháng 8/2008).

Theo Báo Tiền Phong
  • 4.426