Sân trượt băng Olympic mùa đông được làm ra sao?

  •  
  • 1.055

Ở mỗi kỳ Thế vận hội mùa đông (Olympic mùa đông), băng tuyết là phần cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất.

Olympic mùa đông Pyeongchang, Hàn Quốc sắp diễn ra từ ngày 9/2, ban tổ chức đang gấp rút các bước chuẩn bị cuối cùng.

Sân trượt băng ở Trung tâm Hockey Gangneung (Hàn Quốc)
Sân trượt băng ở Trung tâm Hockey Gangneung (Hàn Quốc) là nơi tổ chức nội dung khúc côn cầu nam tại Olympic mùa đông năm 2018 - (Ảnh: Getty Images).

Tỉ mỉ từng lớp sân băng

Sân băng là địa điểm thi đấu cơ bản của những môn thi thể thao mùa đông. Sân băng được làm rất công phu.

Trước tiên, một hỗn hợp muối gần giống như nước biển được cho vào bêtông để tạo phần nền cho sân thi đấu. Hỗn hợp muối này dùng để duy trì độ lạnh cho các lớp băng phía trên vì khi có muối, nhiệt độ đông đặc của chất lỏng sẽ hạ thấp.

Bước thứ hai, các kỹ sư đặt một sợi dây thừng dày làm khung sân. Do mặt sân làm bằng nước nên sử dụng dây sẽ dễ dàng điều chỉnh các góc cạnh, độ cong cho phù hợp.

Té ngã là chuyện không thể tránh khỏi trong các môn thi đấu trên băng
Té ngã là chuyện không thể tránh khỏi trong các môn thi đấu trên băng - (Ảnh: AP).

Sau khi phần đế hoàn thành, các kỹ sư chuyển sang công đoạn quan trọng nhất: làm băng. Băng được làm theo từng lớp, mỗi lớp là một lần phun nước và làm lạnh ngay lập tức.

Nguồn nước phải thật sự tinh khiết, không lẫn tạp chất, nếu không sẽ làm sân băng yếu đi, ngược lại càng tinh khiết băng càng cứng.

Sau 2-3 lớp băng đầu tiên là đến lớp băng trang trí cho sân. Thêm vài lớp nữa là lớp băng in hình logo và những đường kẻ sân.

Tùy từng môn thể thao, sân thi đấu sẽ được "khoác" bao nhiêu lớp nước. Chẳng hạn sân cho môn trượt băng cần 20 lớp, sân cho môn khúc côn cầu cần 30 lớp…

Sau khi các lớp nước hoàn thành sẽ đến công đoạn gọt giũa sao cho đạt độ bóng nhẵn và độ dày theo tiêu chuẩn.

Đội tuyển Mỹ tranh tài ở nội dung xe trượt tuyết ở Olympic mùa đông Utah 2002
Đội tuyển Mỹ tranh tài ở nội dung xe trượt tuyết ở Olympic mùa đông Utah 2002 - (Ảnh: US Army).

Thời gian hoàn thành mỗi sân thi đấu cũng khác nhau. Ví dụ đường thi đấu môn xe trượt mất khoảng 5 ngày, sân thi môn bi đá trên băng cần 10 ngày, môn trượt băng cần ít nhất 14 ngày.

Làm băng phải thật cẩn thận và tỉ mỉ để tránh những lớp sương giá hình thành trên bề mặt băng do hơi ẩm trong không khí. Lớp băng giá này có thể làm bề mặt sân thi đấu bị loang lổ và gây nguy hiểm trong quá trình thi đấu.

Điển hình như ở môn xe trượt, đường chạy loang lổ có thể khiến xe tưng lên. Và khi tưng 1 lần có thể dẫn đến tưng lần 2, lần 3, lần 4 và có nguy cơ gây tai nạn.

Còn sân thi đấu môn trượt băng đòi hỏi loại băng dày nhất và ấm nhất: dày khoảng 5cm và luôn giữ ở nhiệt độ -4 độ C giúp cho các vận động viên có thể trượt băng và thực hiện những động tác khó như bay nhảy hay xoay vòng.

Tuyết nhân tạo "lên ngôi"

Một máy làm tuyết đang hoạt động ở Weston, Massachusetts, Mỹ
Một máy làm tuyết đang hoạt động ở Weston, Massachusetts, Mỹ - (Ảnh: AP).

Không giống như băng, tuyết có được do sự kết tinh của hơi nước trong không khí ở dưới nhiệt độ đóng băng.

Để tạo tuyết phải có những hạt bụi hỗ trợ quá trình kết tinh, nếu không phải cần đến -28 độ C hơi nước mới có thể tự thành tuyết.

Mặc dù nhiều và đẹp nhưng những bông tuyết không phải là sự lựa chọn cho thi đấu thể thao vì khá cứng không thể trượt, bề mặt cũng không bằng phẳng. Do đó, tuyết thường phải được xử lý trước khi tổ chức giải.

Các kĩ sư phải làm việc rất vất vả trong nhiều tháng trời để đảm bảo đường đua môn trượt tuyết luôn chắc chắn và dễ trượt. Họ liên tục định hình lại mọi góc cạnh của sân tuyết đạt độ bằng phẳng hoàn hảo.

Cụ thể, các kĩ sư thường xuyên làm ướt bề mặt tuyết sau đó hóa đông tạo thành một lớp dày hơn và nhẵn hơn bên trên. Tuy nhiên nếu để cho tuyết quá ướt sẽ dễ dàng bay hơi.

Ngày nay, với áp lực từ biến đổi khí hậu cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, những sự kiện thể thao mùa đông thường sử dụng tuyết nhân tạo.

Olympic mùa đông 1980 diễn ra tại Lake Placid, New York (Mỹ) là kỳ thế vận hội đầu tiên sử dụng máy làm tuyết nhân tạo, giúp đỡ con người trong những điều kiện thời tiết ấm và có mưa.

Tại Olympic 2010 ở Vancouver (Canada), người ta cũng đã sử dụng 95,3 triệu lít nước để làm tuyết.

Vận động viên Shaun White lao vào vách ở trong lồng trượt ván chữ U khi tham gian Olympic Sochi 2014
Vận động viên Shaun White lao vào vách ở trong lồng trượt ván chữ U khi tham gian Olympic Sochi 2014 - (Ảnh: USA Today).

Tuy nhiên cũng có những lúc gặp sự cố, Olympic mùa đông 2014 (Nga) diễn ra trong thời tiết ấm làm cho các sân trượt gồ ghề vì tuyết rời ra.

Trong môn trượt ván chữ U, hơn phân nửa vận động viên bị té ngã ở vòng loại. Hannah Teter, nhà vô địch Olympic 2 lần cũng phải phê bình đường trượt "nguy hiểm" và "tồi tệ".

Trong kỳ Olympic ở Pyeong Chang (Hàn Quốc) tới đây, mọi thứ đang diễn ra rất tốt, chỉ có điều nhiệt độ sẽ lạnh nhất trong lịch sử đại hội.

Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiều môn thể thao. Với môn xe trượt, nhiệt độ thấp hơn -5 độ C có thể làm tuyết trở nên giòn hơn. Với môn trượt tuyết băng đồng, nhiệt độ lý tưởng là khoảng -3,8 độ C, khi lạnh hơn, tuyết sẽ khô và ma sát hơn.

Vận động viên người Mỹ Sarah Konrad cho rằng rất khó để các điều kiện của sân trượt băng đạt chuẩn, nhưng trên hết nó phải tạo được sự công bằng cho các vận động viên tham gia.

Cập nhật: 06/02/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.055