Sáng chế chuyên nghiệp: "Xài" ít, "trùm mền" nhiều

  •  
  • 529

Vì sao phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong ảnh: Khách tham quan Chợ công nghệ Techmart Việt Nam 2005 tại TP.HCM

Hàng năm, một nhà khoa học có thể tạo ra hàng loạt thiết bị máy móc từ tiền ngân sách. Thế nhưng, phần lớn sáng chế từ các đề tài của nhà khoa học đều bị thực tế từ chối. Tại sao?


Trên 80% đề tài khoa học bị xếp xó! 

Cách đây vài năm, một nhóm nhà khoa học của Khoa Cơ khí Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công máy sản xuất bánh tráng. Đề tài này được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Chiếc máy này có giá 470 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với giá máy nhập ngoại, 110.000 USD. Tuy nhiên, khi mua về sử dụng, một đơn vị chế biến thực phẩm ở TP Hồ Chí Minh mới té ngửa vì máy chỉ chạy thử nghiệm một thời gian ngắn đã bất ổn, bánh đạt thì ít mà hư thì nhiều, máy đành bỏ phế.

Mới đây, Sở KH-CN TP đã nghiệm thu đề tài chế tạo máy thu hoạch mía không róc lá do một công ty thực hiện trong thời gian khoảng hai năm với kinh phí của sở cấp, khoảng 1 tỷ đồng. Đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá thành công, giá bán 200 triệu đồng, chưa kể máy kéo trị giá 250 triệu đồng. Tuy nhiên, chiếc máy này chỉ hoạt động được ở địa hình bằng phẳng liên tục, còn với khoảng 100.000 ha mía trồng theo dạng liếp phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long thì bất lực. Không chỉ vậy theo một thành viên trong hội đồng là một nhà khoa học làm việc lâu năm trong ngành máy nông nghiệp, chiếc máy này làm việc còn chập chờn, hay hỏng vặt... Chính vì vậy mà Sở KH-CN TP lại tiếp tục cấp 120 triệu đồng để nhóm tác giả trên nghiên cứu chế tạo thêm một cái máy róc lá mía chuyên biệt.

Trong khi đó, cách đây hai năm, Trung Quốc đã sử dụng đại trà (và sẵn sàng bán cho Việt Nam) máy thu hoạch mía hoàn chỉnh, vừa chặt cây, ngọn vừa róc sạch luôn lá nhưng giá chỉ khoảng 50 triệu đồng và rất cơ động ở nhiều loại địa hình.

Trên mặt bằng chung, dù chưa có một thống kê chính thức nào nhưng theo nhận định của một số nhà khoa học đầu ngành, riêng lĩnh vực sáng chế kỹ thuật thì số có thể đưa vào ứng dụng thực tiễn chỉ từ 10%-20% tổng số sáng chế, tỷ lệ này càng thấp ứng với đề tài cấp càng cao, đó là chưa kể các nghiên cứu khoa học xã hội, thường rất chung chung và rất khó áp dụng thực tế.

Nguyên nhân: xa rời thực tế và cơ chế bất cập

Lý giải vấn đề phần lớn các sáng chế của nhà khoa học bị "dội" thực tiễn, tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thừa nhận các đề tài khoa học còn có khoảng cách nhất định với thực tế. Khi thực hiện đề tài, nhà khoa học khảo sát thực tế chưa kỹ, thiếu sâu sát.

Quá trình thử nghiệm lại diễn ra trong điều kiện lý tưởng, bỏ qua nhiều tình tiết đời thường nên sản phẩm "chông chênh" với "đời thực" là chuyện dễ hiểu.

Cách đây mấy năm, một số nhà khoa học của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh có đề tài chế tạo một hệ thống xử lý rác thải.

Đề tài được nghiệm thu thành công và triển khai lắp đặt ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, hệ thống máy trị giá hơn 1,5 tỷ đồng này chỉ hoạt động được vài ngày rồi im bặt, dần trở thành đống ve chai.

Lý do chính là loại rác có ở địa phương không có trong chủng loại rác thử nghiệm của các nhà nghiên cứu nên thiết bị không xử lý được. Những đề tài dạng trên sẽ không có cơ hội nghiệm thu nếu hội đồng xét duyệt làm việc chuẩn xác hơn.

Theo tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, về vấn đề kiểm soát đề tài, hiện nay tiêu chí chọn thành viên hội đồng và tiêu chí đánh giá đề tài vẫn còn chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, thẩm định còn nặng cảm tính...

Còn GS-TSKH Nguyễn Thúc Loan (Viện Nghiên cứu phát triển năng lượng), nguyên Trưởng ban Điều khiển học - Ủy ban khoa học - kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ KH-CN), cho rằng nguyên nhân lớn nhất là cơ chế.

Kinh phí dành cho nghiên cứu đã thấp lại bị "chia năm, xẻ bảy", "rơi rụng" dần ở các "quan ải", ở những khoản không ghi trên văn bản nên số tiền thực sự phục vụ công tác nghiên cứu không còn bao nhiêu, chất lượng nghiên cứu vì thế không như mong muốn.

Đề tài, dự án thường được thực hiện theo chỉ đạo và chỉ tiêu mà không phải là sự "đặt hàng" của những bức thiết trước mắt cũng như lâu dài của đời sống.

Vì không có sự hỗ trợ, thiếu "nhạc trưởng" nên kết quả nghiên cứu không thương mại hóa được sản phẩm ra lò thiếu bàn tay quán xuyến của những nhà quản lý kinh tế, sử dụng lao động không đúng chỗ (kỹ sư làm thay công nhân)...

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên hiện nay số tiến sĩ tham gia nghiên cứu khoa học chưa tới 1/3, còn hơn 2/3 là trở thành những "thợ dạy" không hơn, không kém.

GS Loan nhấn mạnh: "Một quốc gia muốn phát triển mạnh mẽ phải có đột phá trong khoa học kỹ thuật. Muốn có nền khoa học tiên tiến tất cần có chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên chất xám. Thành quả kinh tế phụ thuộc vào thành quả áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, vào thực tiễn".

Theo VietNamNet
  • 529